Mục tiêu của Đề án nhằm góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo điều kiện cho các loại hình doanh nghiệp tự chủ hoạt động theo thể chế kinh tế thị trường; thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp Việt Nam.
Hoàn thiện cơ chế công bố thông tin về quản trị doanh nghiệp
Theo Đề án đổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường, cơ chế công bố thông tin về quản trị doanh nghiệp cần tiếp tục được hoàn thiện. Trong đó, việc tổ chức xây dựng và công bố báo cáo thường niên về hoạt động đầu tư kinh doanh của chủ sở hữu nhà nước bao gồm danh mục các doanh nghiệp có vốn nhà nước tại thời điểm 31/12 hàng năm, thực trạng và hiệu quả đầu tư, thực trạng thực hiện chức năng chủ sở hữu, cổ đông nhà nước tại các doanh nghiệp,...
Đồng thời, nghiên cứu, soạn thảo và ban hành Quy chế quản trị công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, trong đó tách bạch chức năng, nhiệm vụ giữa Chủ tịch công ty, Chủ tịch hội đồng thành viên với Tổng giám đốc, giám đốc; tạo điều kiện để Kiểm soát viên hoạt động thực sự độc lập nhằm trở thành cơ quan giám sát của chủ sở hữu tại công ty.
Đề án nêu rõ việc sẽ ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong bối cảnh toàn bộ doanh nghiệp nhà nước đã chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
Đổi mới công tác quản lý nhà nước hỗ trợ cải thiện quản trị doanh nghiệp
Một trong những giải pháp chủ yếu của Đề án này đó là việc đổi mới công tác quản lý nhà nước hỗ trợ cải thiện quản trị doanh nghiệp. Cụ thể là nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện quy định "Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp; chỉ định một cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành khác thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp" tại khoản 1 Điều 162 Luật doanh nghiệp.
Đồng thời, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và chức năng cung cấp dịch vụ công trong các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương. Triển khai việc tách bạch bộ máy, nhân sự thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp để tiến tới hình thành các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Nâng cao tính chuyên nghiệp của các nhà đầu tư, các chủ sở hữu, trước hết là chủ sở hữu nhà nước. Tách chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý hành chính nhà nước của các cơ quan nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới mô hình tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước theo thông lệ kinh tế thị trường phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta trên nguyên tắc xác định rõ cơ quan đầu mối thực hiện các quyền chủ sở hữu nhà nước và không thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước đối với các doanh nghiệp.
Theo Đề án này, sớm hoàn chỉnh và thực hiện kế hoạch, lộ trình tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước; chuyển toàn bộ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh thuần túy sang hình thức công ty cổ phần.
Nguồn www.chinhphu.vn