Ngành Thuế: Triển khai gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

(NTO) Một trong những nội dung cơ bản của Nghị quyết 13/NQ- CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường là giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp (DN). Hiện nay ngành Thuế tỉnh đã bắt tay vào rà soát bước đầu, phân loại đối tượng được giảm, giãn, miễn thuế.

Nhìn lại bức tranh tổng thể các DN trên địa bàn tỉnh cho thấy, do ảnh hưởng suy giảm kinh tế, các DN đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu thống kê, tính đến hết quý I-2012, toàn tỉnh có 1.512 DN đăng ký kinh doanh, trong đó có 1.156 DN đang hoạt động, phát sinh kê khai thuế; có 356 DN đăng ký nhưng không hoạt động bao gồm: 92 DN đã giải thể; 264 DN tạm ngừng hoặc nghỉ kinh doanh).

Cán bộ thuế hướng dẫn hệ thống Ki-ốt tra cứu thông tin cho người nộp thuế. Ảnh:Văn Miên

Đến cuối tháng 3-2012, tổng nợ thuế toàn tỉnh là 64,3 tỷ đồng, tăng 28,4% so với thời điểm 31-12-2011. Trong đó, số nợ thuế của khối DN là 50,2 tỷ đồng; nợ thuế của các hộ kinh doanh và đối tượng khác là 14,1 tỷ đồng. Theo ngành Thuế tỉnh, nguyên nhân của tình hình nợ thuế trên là do một số DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, không có khả năng nộp thuế đúng kỳ hạn. Mặt khác, do khả năng tiếp cận vốn vay hạn chế, cộng với lãi vay vẫn ở mức cao, cao hơn mức phạt chậm nộp tiền thuế (mức phạt chậm nộp tiền thuế hiện tại là 0,05%/ngày, tương đương 1,5%/tháng và 18%/năm), nên một số DN đã chiếm dụng tiền thuế để kinh doanh, thay vì vay ngân hàng. Ngoài ra, một số DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn do việc Nhà nước thực hiện cắt giảm đầu tư công. Việc giải ngân, thanh toán vốn công trình hoàn thành còn chậm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN nợ thuế.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất vay cho các nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên: khu vực nông nghiệp nông thôn, DN vừa và nhỏ, DN sản xuất hàng xuất khẩu, DN công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 4-2012 đã tiếp nhận 15.600 hồ sơ xem xét, giải quyết nhu cầu vay vốn, trong đó có 9 DN không đủ điều kiện vay vì đã ngừng sản xuất và đang có dư nợ xấu tại ngân hàng hoặc chưa cung cấp được hồ sơ pháp lý, mục đích sử dụng vốn không hợp lệ, tài sản bảo đảm không đủ điều kiện.

Sau khi Nghị quyết 13 của Chính phủ ban hành, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Cục Thuế, Cục Thuế tỉnh đã triển khai việc rà soát, dự kiến số thuế và tiền sử dụng đất được miễn giảm, gia hạn theo quy định. Theo ông Đoàn Hạnh Phúc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, đây là bước rà soát trước mắt chuẩn bị cho triển khai thực hiện cụ thể Nghị quyết 13 trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của trung ương. Cụ thể, về thuế TNDN giảm 30% thuế phải nộp năm 2012 đối với các DN vừa và nhỏ; thuế giá trị gia tăng được gia hạn 6 tháng thời hạn nộp của tháng 4, 5, 6-2012; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012. 

Tính đến hết quý I-2012, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện gia hạn thêm 3 tháng đối với thuế TNDN của quý I-2011 và quý II-2011 chuyển sang là 4 tỷ đồng/342 DN; miễn tiền thuế đất: 1,4 tỷ đồng/36 DN; ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN 4,5 tỷ đồng/818 DN; gia hạn nộp thuế với những DN xây dựng công trình xây dựng cơ bản sử dụng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán là 5,5 tỷ đồng/18 DN.

Qua thực tế, cho thấy đa phần DN đã tiếp cận được với chủ trương từ Nghị quyết 13 của Chính phủ và tỏ ra khá phấn khởi. Nhiều đơn vị đã nghiên cứu để xem xét mình có thuộc diện đối tượng được miễn, giảm, giãn hay không. Cục Thuế tỉnh dự kiến hết quý II-2012 sẽ rà soát cơ bản các đối tượng và đến cuối năm sẽ hoàn thành phân loại để tiến hành các bước gia hạn, giảm, giãn thuế theo quy định.

Có thể nói, trong bối cảnh hiện tại, chính sách giãn, giảm, miễn thuế được coi là giải pháp hỗ trợ, nhất là giúp DN vừa và nhỏ bổ sung vốn lưu động bằng số tiền nộp thuế được giữ lại. Số thuế được giảm, giãn hay miễn tuy không lớn nhưng rất có ý nghĩa, bởi khi việc tiếp cận vốn ngân hàng không dễ dàng thì số tiền thuế được giữ lại giúp DN hạn chế vay và trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp để hỗ trợ. Vì vậy, vấn đề mấu chốt vẫn là sự vận động tích cực của DN trong chiến lược sản xuất, kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển.