Khoảng 300 hiện vật được sưu tầm và trưng bày là nỗ lực của các thế hệ nhà khảo cổ học, những người làm bảo tàng suốt hàng chục năm qua, lần đầu tiên được trưng bày trong một chuyên đề đặc biệt.
Những mảnh rìu, bôn bằng đá cách ngày nay khoảng 4000-3000 năm
được tìm thấy tại di chỉ Hạ Long.
Tiêu biểu trong số đó là chân đèn Lạch Trường thuộc thời đại văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay khoảng 2700 đến 1800 năm) được phát hiện ở Lạch Trường, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Những họa tiết trên chân đèn mang phong cách La Mã rõ nét, cho thấy một sự giao thoa về văn hóa sâu sắc từ rất sớm thông qua đường biển. Những mảnh xốp gốm có niên đại cách ngày nay từ 3000-4000 năm được tìm thấy ở di chỉ Hạ Long (Quảng Ninh), nhiều di tích ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á cũng là một minh chứng khẳng định sự giao thương từ sớm. Những chuỗi đá mã não (đá lạt ma) niên đại 2000-2500 có nguồn gốc từ Ấn Độ cũng được tìm thấy trong các di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo ở miền Nam Việt Nam.
Theo các chuyên gia tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia VN, Việt Nam là chặng cuối của hải trình thương mai được gọi là “Con đường gia vị”, “Con đường hương liệu” từ phương Đông sang phương Tây của các thương nhân Ấn Độ và Ả Rập. Từ gia vị và hương liệu, con đường này được mở rộng với các sản phẩm khác như tơ lụa, gốm sứ…
Kết quả nghiên cứu từ những phát hiện khảo cổ học tại các di tích tiền sử duyên hải miền bắc Việt Nam như Soi Nhụ, Cái Bèo, Ngọc Vừng, Hạ Long, Quỳnh Văn đã góp phần đưa ra những cơ sở khoa học để chứng minh cư dân ở đây có một truyền thống giao lưu sớm và mạnh ra thế giới bên ngoài. Ở ven biển miền Trung, cư dân tiền Sa Huỳnh cũng đã chiếm lĩnh những không gian cửa sông ven biển, các đảo gần và xa bờ..
Trong thời kỳ đồ sắt, cư dân Đông Sơn ở miền Bắc đã có những mối giao lưu văn hóa rộng rãi với cư dân Sa Huỳnh ở miền Trung và tiếp cận tới tận hạ lưu sông Trường Giang (Trung Quốc) và một số nước Đông Nam Á. Bằng chứng của nhận định này là nhiều hiện vật đồng Đông Sơn muộn đã được tìm thấy ở đây. Đặc biệt, có học giả Indonesia còn cho rằng trống đồng Đông Sơn đã đến đất nước họ theo một dạng như nhập khẩu nguyên chiếc, để sau đó gợi ý cho những mẫu hình trống đồng bản địa khác.
Sự giao thương và dự nhập hàng hải quốc tế của cư dân Việt diễn ra mạnh mẽ tiếp nối những thời kỳ sau này, được minh chứng bằng hệ thống hiện vật như đồ gốm Islam, Trung Hoa thời Đường được tìm thấy ở tàu đắm tại biển Vũng Tàu, đồ trang sức thủy tinh, mã não Ấn Độ thế kỷ 7-9 tìm thấy ở di chỉ khảo cổ học Bãi Làng, Cù Lao Chàm. Các chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử cho biết, đồ gốm của Việt Nam sau này cũng được trưng bày tại bảo tàng ở Nhật Bản.
Đặc biệt, di sản văn hóa biển Việt Nam còn được thể hiện rõ trong các tài liệu, hình ảnh về những bản đồ hàng hải, những châu bản các vương triều… Triển lãm còn trưng bày những ghi chép vì vị trí Hoàng San, hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải tìm thấy trong các thư tịch cổ, châu bản triều Nguyễn…
Một lịch sử trên biển hấp thụ văn hóa nước ngoài, truyền bá nền văn hóa của mình ra các nước khác được phản ánh rõ nét. Tuy vậy, sự hiện diện của người Việt trên Biển Đông không chỉ một mục đích duy nhất là giao thương mà còn là khẳng định chủ quyền của mình trên biển. Hệ thống hiện vật, tài liệu, hình ảnh là những cơ sở khoa học và thực tiễn hết sức quan trọng và thuyết phục về lịch sử khai phá, chinh phục biển đảo của tổ tiên người Việt. Đây cũng là cơ sở thực tiễn, khoa học về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của đất nước Việt Nam.
“Di sản văn hóa biển Việt Nam” là trưng bày chuyên đề đầu tiên về văn hóa biển. Ngoài một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, triển lãm cũng sử dụng hiện vật và tư liệu từ Ủy ban biên giới quốc gia, Bảo tàng Hưng Yên, Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Quảng Ngãi, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa…
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết tháng 11-2012.
Nguồn Báo Nhân Dân