Buổi lễ có sự hiện diện của Bí thư thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị, đại diện Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương, lãnh đạo các ban ngành, cơ quan, đơn vị văn học nghệ thuật ở trung ương, Hà Nội, các tác giả, nhà văn, nghệ sĩ có tên trong danh sách được trao tặng, đông đảo văn nghệ sĩ bạn bè đến dự chia vui với đồng nghiệp và nhiều thân nhân của gia đình các văn nghệ sĩ được trao giải thưởng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các tác giả và thân nhân đại diện
cho các tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Từ 8 giờ sáng, các nhà văn, nghệ sĩ trong đợt xét tặng lần này đã có mặt tại Nhà hát Lớn, cùng giao lưu gặp gỡ với đồng nghiệp, bạn bè, người thân và tham quan triển lãm. Hai bên sảnh Nhà hát trưng bày ảnh chân dung và giới thiệu khái quát sự nghiệp, tác phẩm của 12 tác giả được vinh dự trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này và ảnh chân dung, tên tuổi của các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Trong số 12 tác giả vinh dự được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ tư, chỉ có 6 người trực tiếp đến được để nhận giải, đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên, các nhà văn Hồ Phương, Đỗ Chu, Ma Văn Kháng, nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ. Các tác giả đã mất như nhạc sĩ Văn Chung, đạo diễn-NSND Nguyễn Đình Nghi, đạo diễn-NSND Dương Ngọc Đức, NSND Sỹ Tiến, nhà thơ Phạm Tiến Duật đều có gia đình, thân nhân đến dự và nhận giải thưởng. Duy chỉ có một tác giả ở phía nam là nhà văn Lê Văn Thảo đã được trao giải thưởng từ ngày 30-4 tại TP. Hồ Chí Minh nên không có mặt trong buổi trao tặng hôm nay.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhà văn Hồ Phương.
Trong số 74 nghệ sĩ – con số lớn nhất từ trước đến nay- được phong tặng danh hiệu NSND lần này, có nhiều gương mặt quen thuộc với công chúng như diễn viên Bùi Bài Bình, các đạo diễn Vương Đức, Thanh Vân, Lý Huỳnh, các nghệ sĩ Lan Hương, Minh Hòa, Thúy Hường, Hoàng Cúc.. nhiều nghệ sĩ, diễn viên của nghệ thuật truyền thống như tuồng, hát chèo, cải lương… Trong số đó, cũng có nhiều nghệ sĩ đã mất như diễn viên Phương Thanh, nghệ sĩ Trần Đắc, nghệ sĩ Phạm Kỳ Nam…
Chín giờ sáng, buổi lễ trao tặng giải thưởng và danh hiệu cao quý bắt đầu trong tiếng nhạc cử hành Quốc ca và lễ chào cờ trọng thể, trang nghiêm. Quyết định của Chủ tịch Nước về việc tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 12 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình và cụm công trình của 12 tác giả văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh và phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đối với 74 nghệ sĩ được công bố trang trọng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trực tiếp trao Giải thưởng và danh hiệu đến tận tay từng tác giả hoặc người thân của văn nghệ sĩ.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ trao tặng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt chúc mừng các tác giả nhận giải thưởng và danh hiệu cao quý. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và danh hiệu NSND là phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước dành cho các tác phẩm văn học nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài trong đời sống xã hội và danh hiệu dành cho các văn nghệ sĩ có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghề nghiệp và có tài năng nghệ thuật, có nhiều cống hiến to lớn vào công cuộc xây dựng nền văn học nghệ thuật nước nhà, được đồng nghiệp và nhân dân yêu mến. Trong những thành quả xây dựng đất nước, có sự đóng góp to lớn của các tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và danh hiệu NSND.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Minh Hòa.
Chủ tịch nước cũng tin tưởng văn nghệ sĩ hôm nay sẽ bám sát thực tiễn đời sống, tích cực học tập nâng cao trí tuệ, vốn sống, tiếp tục sáng tạo những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, trong đó văn học nghệ thuật chiếm một vị trí quan trọng, là nền tảng tinh thần để phát triển đất nước.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND.
Nhà văn, Thiếu tướng Hồ Phương bày tỏ niềm vui “chưa từng có” của mình, niềm vinh dự về sự ghi nhận của Nhà nước và sự quan tâm của nhân dân, công chúng đối với hoạt động sáng tạo của văn nghệ sĩ.
Ông nói: “Việc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đã trở thành một phong tục mới rất đẹp nặng tình yêu nước không chỉ trong giới văn nghệ mà toàn dân ta. Nó không chỉ nhằm động viên thúc đẩy các tác giả sáng tạo mà còn là vinh danh nền văn hóa của dân tộc. Những ngày trao giải thưởng không chỉ là ngày hội vui của riêng giới văn nghệ sĩ mà còn là của chung của toàn dân tộc, để cho thế giới biết rằng, đất nước ta đang phát triển rất tốt đẹp, toàn diện như thế nào trong đó có phát triển văn hóa văn nghệ”. Vì thế, ông bày tỏ mong muốn giải thưởng Hồ Chí Minh được duy trì mãi mãi, cần được mở rộng hơn, trao sớm hơn và có thể trao cho cả các tác giả ngoại quốc có tác phẩm chân thành về Việt Nam”.
Trở lại với chính mình, ông bày tỏ sự xúc động và hứa trước Nhà nước, nhân dân, các nhà văn, nghệ sĩ sẽ tiếp tục sáng tạo, phải “đi tới” và tiếp tục có những tác phẩm tốt hơn nữa để “vượt được chính mình”. “Trong văn học nghệ thuật, vượt được chính mình là việc vô cùng khó khăn. Mọi sự dẫm chân tại chỗ hoặc ngủ ngon trên chiến thắng đều rất nguy hiểm với sự nghiệp sáng tạo. Chính cuộc sống sẽ thúc đẩy chúng ta vượt qua sự thỏa mãn, chủ quan, lười nhác, vượt qua sự ngu dốt, để có những tác phẩm tốt hơn nữa”.
Nguồn Báo Nhân Dân