Từ Cách mạng Tháng Tám đến nay đã có hàng trăm tác phẩm âm nhạc viết về Bác Hồ nói lên lòng kính yêu sâu sắc và lòng biết ơn vô hạn của toàn thể nhân dân ta và bản thân người nhạc sĩ đối với lý tưởng chiến đấu, tình cảm, đạo đức cao đẹp, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và nhà văn Nguyễn Đình Thi là một trong những tác phẩm viết về Bác tồn tại vững bền trong lòng nhân dân.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (trái) cùng hai nhà văn Nguyễn Văn Bổng và Lý Văn Sâm.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, Lưu Hữu Phước theo cơ quan Hội Văn hóa cứu quốc về Hà Đông và sau đó lên Phú Thọ. Tại đây, ông được cử phụ trách Đoàn Thiếu nhi tuyên truyền xung phong (sau được Bác Hồ đổi tên thành Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật). Chính trong năm đầu tiên đi kháng chiến này (1947) Lưu Hữu Phước sáng tác ca khúc Ca ngợi Hồ Chủ tịch với lời ca thứ nhất của Nguyễn Đình Thi. Đến chiến thắng Điện Biên Phủ và hiệp định Genève (1954), nhạc sĩ Lưu Hữu Phước soạn thêm hai lời ca nữa.
Lưu Hữu Phước lần đầu tiên thấy Bác Hồ vào dịp Quốc hội Việt Nam khóa 1, họp kỳ 2 và tháng 10-1946 tại Hà Nội. Khi ông Nguyễn Văn Tạo, trong đoàn đại biểu Nam bộ lên diễn đàn kể lại tội ác của giặc Pháp giết hại đồng bào ta, Bác đã khóc và ôm ông Tạo. Cả hội trường lặng đi, đâu đó có tiếng khóc. Lưu Hữu Phước cũng không cầm được nước mắt. Sau đó, ông còn có dịp gặp Bác một đôi lần nữa và lúc nào cũng cảm thấy ở Bác một con người rất giản dị nhưng cũng rất vĩ đại.
Chính những cảm xúc ấy đã thôi thúc ông sáng tác thành công bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch, một ca khúc tuyệt vời về vị lãnh tụ của dân tộc với tất cả lòng kính yêu và sự ngưỡng mộ của mình: “Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi/Toàn Việt Nam đón chào ngày mới/Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta vững bền đấu tranh cho đời chúng ta...”.
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một bản chính ca (hymne - bài hát chính thức của một đoàn thể, một phong trào, một đảng, một quốc gia...) hào hùng, trang nghiêm với khúc thức cân đối, gọn gàng của thể ca khúc một đoạn. Nội dung bài hát súc tích, cảm xúc chân thành, giai điệu rất Việt Nam.
Nghe Ca ngợi Hồ Chủ tịch, ta không tìm thấy ở đây một làn điệu dân ca cụ thể nào, mà qua bài hát ta cảm nhận được chất tinh túy của dân ca, âm hưởng hay đẹp của âm nhạc dân gian và nhất là tình cảm, tâm hồn Việt Nam.
Năm 1965, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từ miền Bắc vào công tác ở chiến trường miền Nam. 4 năm sau, năm 1969, Bác Hồ từ trần. Trong niềm thương tiếc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác ca khúc Tình Bác sáng đời ta, ca từ là kết quả cộng tác giữa nhạc sĩ và nhà thơ Diệp Minh Tuyền. Có thể nói tình cảm trong bài hát Tình Bác sáng đời ta, một tác phẩm ra đời trên chiến hào chống Mỹ ở miền Nam, cũng là tình cảm chung của nhân dân miền Nam thương tiếc Bác khi Bác ra đi: “Từ trong chiến hào, hôm nào nghe tiếng Bác/Hồn ta sáng rực như nở hoa/Còn chi cao quý hơn độc lập tự do/Lời Người vang vang, gió xuân đưa về khắp mọi nhà…”.
Sau khi ra đời, ca khúc Tình Bác sáng đời ta đã được Tiểu ban Văn nghệ giải phóng dịch các nốt nhạc trên khuông nhạc 5 dòng kẻ thành “mật mã âm nhạc” (do tiểu ban sáng tạo) để qua làn sóng vô tuyến điện chuyển tác phẩm âm nhạc ra Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội cho kịp thời.
Trong những ngày diễn ra tang lễ Bác, vang lên cùng với các ca khúc của các nhạc sĩ miền Bắc viết về Bác, còn có Tình Bác sáng đời ta của Lưu Hữu Phước và tác phẩm của các nhạc sĩ khác tại chiến trường miền Nam sáng tác trong những ngày thương tiếc Bác ra đi.
Nguồn Báo SGGP Online