Theo đó, dự án được lựa chọn chuyển đổi hình thức đầu tư là dự án đang được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, nhưng không đủ nguồn vốn bố trí tiếp và thuộc lĩnh vực đầu tư theo các hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và PPP đã được quy định tại Nghị định số 24/2011/NĐ – CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ - CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO và BT và Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP ban hành kèm theo Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg).
Tuy nhiên, chỉ những dự án có thể thu phí để hoàn vốn đầu tư; các dự án có thể thanh toán bằng quyền sử dụng đất; các dự án có thể bán hoặc chuyển nhượng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới được phép chuyển đổi sang các hình thức BOT, BTO, hay BT.
Chỉ chuyển đổi theo hình thức hợp đồng BOT hoặc PPP đối với các dự án có khả năng giao cho nhà đầu tư tiếp tục xây dựng và kinh doanh công trình để thu hồi vốn đầu tư.
Còn với hình thức BT, phải đảm bảo các bộ, ngành, địa phương có khả năng thu xếp được quỹ đất để giao cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác hoặc để tạo nguồn vốn thanh toán.
Cũng theo hướng dẫn này, nếu lựa chọn chuyển đổi dự án sang hình thức BOT hoặc PPP, các bộ, ngành, địa phương có thể rút toàn bộ vốn nhà nước đã đầu tư vào công trình. Trong trường hợp này, nhà đầu tư phải hoàn trả cho Nhà nước phần vốn đã đầu tư theo tiến độ thỏa thuận với các bộ, ngành, địa phương; chịu trách nhiệm thu xếp phần vốn còn lại để tiếp tục đầu tư xây dựng công trình. Đổi lại, nhà đầu tư được phép kinh doanh để thu hồi vốn, lợi nhuận trong thời gian nhất định theo thỏa thuận. Thời gian thu hồi vốn và lợi nhuận của nhà đầu tư được tính trên cơ sở toàn bộ số vốn đầu tư xây dựng công trình.
Bên cạnh đó, Nhà nước vẫn có thể tiếp tục góp phần vốn đã đầu tư để tham gia hoặc hỗ trợ thực hiện dự án. Trong trường hợp này, phần vốn Nhà nước đã đầu tư được xác định theo tỷ lệ quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ - CP, Quyết định số 71/2010/QĐ - TTg và Thông tư số 3/2011/TT - BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ - CP. Nếu phần vốn Nhà nước đã đầu tư vượt quá tỷ lệ quy định tại các văn bản nêu trên, các bộ, ngành, địa phương có thể rút một phần vốn đã đầu tư hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận...
Nhiều nội dung khác liên quan đến thủ tục chuyển đổi hình thức đầu tư và thực hiện dự án cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể.
Nguồn SGGP Online