Việc chẩn đoán ngộ độc chì được chia thành 3 mức độ: nặng, trung bình và nhẹ. Trẻ bị nhiễm độc chì ở mức độ nặng thường có những biểu hiện về bệnh lý não, co giật, nôn kéo dài, thiếu máu, thiếu sắt, xét nghiệm nồng độ chì trong máu vượt mức 70 microgam/dl. Những trường hợp này và kể cả mức độ trung bình, cần nhập viện điều trị và được theo dõi sát.
Ảnh minh họa
Khoảng 25 đến 30% trẻ sẽ bị di chứng vĩnh viễn, bao gồm chậm phát triển trí tuệ (mất khả năng học tập và tự phục vụ), co giật, mù, liệt. Phụ nữ đang bị nhiễm độc chì không nên có thai, chỉ nên có thai khi chì trong máu dưới 10 g/dL.
Nếu mẹ bị nhiễm độc chì tốt nhất không nên cho con bú, đồng thời cần xét nghiệm chì trong sữa, nếu chì trong sữa không đáng kể mới cho trẻ bú.
Với trường hợp có chì trong máu tăng nhưng không biểu hiện triệu chứng rõ cũng có nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, nên vẫn cần phải được theo dõi và điều trị.
Trẻ bị ngộ độc chì có thể do tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau, thường là do uống, bôi thuốc cam, thuốc tưa lưỡi... lưu hành bất hợp pháp có chì (hồng đơn) hoặc sơn có chì (loại sơn cũ, đồ chơi dùng sơn chì).
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân chỉ khám bệnh ở những cơ sở có đăng ký và dùng các thuốc lưu hành hợp pháp, loại bỏ các sản phẩm có nguy cơ gây nhiễm độc chì như sơn, đồ chơi có chì.
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì được bành sau khi phát hiện nhiều trường hợp trẻ ngộ độc do sử dụng thuốc có màu cam ở khu vực miền Bắc kể từ cuối năm 2011 đến nay.
Nguồn www.chinhphu.vn