Ảnh: VGP/Huy Thắng
Đây là nội dung được thảo luận tại của Hội thảo “Mô hình và định hướng hoạt động của cơ quan đầu mối thực hiện trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cấp tỉnh” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 4/5, tại Hà Nội,
Khung pháp lý đã có
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đánh giá, thời qua hệ thống cơ quan đầu mối thực hiện chức năng trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở cấp trung ương và địa phương còn yếu; nguồn lực, kinh phí thực hiện các chương trình hỗ trợ còn thiếu.
Ở cấp trung ương, cơ quan đầu mối mới chỉ tập trung vào xây dựng các cơ chế chính sách, giải pháp phát triển DNNVV, chưa có điều kiện đẩy mạnh việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách chương trình trợ giúp hỗ trợ DNNVV ở cấp địa phương, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh cho vay.
Thực tế, theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nguồn vốn của các DNNVV là vốn chủ sở hữu với 72,35%, tiếp đó là vốn tín dụng ngân hàng (11,44%), tín dụng thương mại (11,32%), vốn vay từ cá nhân (4,37%).
Một điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2011 cho thấy, chỉ 1/3 số DNNVV trên cả nước tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, dù đã có cơ chế tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu đối với DNNVV, nhưng doanh nghiệp cũng khó tiếp cận do quá trình xét duyệt cho vay còn chậm, thủ tục phức tạp.
Bà Đồng Thị Bích Chính, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết DNNVV chiếm 97% trong số hơn 13.000 doanh nghiệp của thành phố, nhưng hoạt động hỗ trợ cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, sự hỗ trợ còn tản mạn, chưa phân định vai trò đầu mối rõ ràng.
Thống nhất đầu mối, hỗ trợ đồng bộ
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng có sự áp dụng linh hoạt chính sách với từng loại doanh nghiệp cụ thể.
Do đó, vai trò của các địa phương phối hợp với trung ương đóng vai trò quan trọng. Mô hình thành công ở TP Hồ Chí Minh với nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ… là rất đáng chú ý.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết thành phố đã chỉ đạo thành lập các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, cải cách thủ tục hành chính, các lớp đào tạo về sở hữu trí tuệ, quản trị doanh nghiệp, tổ chức các chương trình vườn ươm doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Các biện pháp hỗ trợ theo hướng khuyến khích các DNNVV chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa.
Ông Lương Quốc Thái, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc cũng chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ của tỉnh này dành cho DNNVV thông qua tổ chức các khóa đào tạo cho DNNVV; thực hiện đối thoại với các doanh nghiệp; lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV...
Chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quốc tế, ông Miki Miyamoto, chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, cho biết số DNNVV ở Nhật Bản chiếm 99,7% tổng số DN, sử dụng 70% nhân công và tạo ra hơn 50% giá trị gia tăng ở Nhật Bản.
Các DNNVV đã hình thành xương sống của nền kinh tế Nhật Bản. Theo đó, nền kinh tế địa phương được sinh lợi bởi các hoạt động của các DNNVV liên quan trong ngành công nghiệp dịch vụ, bán lẻ và xây dựng.
Vì vậy, chính sách DNNVV tại Nhật Bản là khuyến khích cải tiến; củng cố nền tảng quản lý; thích nghi các thay đổi và kinh tế và môi trường xã hội và hỗ trợ tài chính và cơ sở vốn.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho rằng mô hình kinh nghiệm của Nhật Bản là hết sức đáng chú ý. Đó là khi xác định doanh nghiệp hỗ trợ, thì thực hiện sự hỗ trợ đồng bộ, có đầu mối rõ ràng, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị trong mạng lưới hỗ trợ.
Ví dụ, các ngân hàng tại Nhật Bản cho DNNVV vay vốn dựa trên việc thẩm định theo dự án, công nghệ, kỹ năng quản lý, năng lực tài chính, chứ không nhất thiết yêu cầu phải có tài sản thế chấp.
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết trước mắt, Cục sẽ hoàn thiện khung pháp lý, chính sách phát triển DNNVV; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV và tiếp cận tài chính, tín dụng.
Theo đó, sẽ đẩy nhanh phê duyệt và triển khai thành lập Quỹ phát triển DNNVV; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích ngân hàng thương mại tăng mức dư nợ tín dụng cho các DNNVV...
Nguồn www.chinhphu.vn