Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XII) về phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

(NTO) Ngày 10-4-2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn Nghị quyết này.

I- Một số nét về thực trạng ngành du lịch của tỉnh

Trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền và các thành phần kinh tế đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn các danh lam, thắng cảnh của du khách trong và ngoài nước. Các tụ điểm vui chơi, giải trí đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, bộ mặt của thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, các đô thị trung tâm huyện lỵ ngày càng khang trang, sạch đẹp, phát triển theo quy hoạch và có tính chiến lược; nhiều thiết chế văn hóa lớn hoàn thành, đưa vào sử dụng tạo điểm nhấn quan trọng để tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với hoạt động quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh; một số làng nghề truyền thống được khôi phục, phát triển; hầu hết di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo; các khu du lịch, cơ sở lưu trú từng bước quan tâm đầu tư xây dựng. Toàn tỉnh hiện có trên 60 cơ sở lưu trú, với gần 1.700 phòng, trong đó trên 30% số phòng đạt chuẩn 3 sao; hiện có nhiều dự án về du lịch đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy phép, trong đó có 22 dự án du lịch cao cấp, tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, tập trung phát triển ở dải ven biển của tỉnh, đây là những tiền đề quan trọng, động lực mới để đẩy mạnh việc phát triển du lịch trong tương lai.

Những năm gần đây, thông qua công tác tổ chức nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng... hoạt động du lịch của tỉnh đã có bước khởi sắc, số lượng du khách tăng lên đáng kể, đặc biệt, lượng khách đi theo tua cố định từ thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ chiếm trên 60%. Giai đoạn 2006 - 2010, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt mức tăng trưởng bình quân 22,8 %/năm; năm 2011 đạt 330 tỷ đồng, đạt 110% so kế hoạch, tăng 6,45% so 2010. Lượt khách đạt mức tăng trưởng bình quân 25 - 26%/năm; năm 2011, thu hút được trên 820.000 lượt khách, đạt 102,54% so kế hoạch, tăng 17,18% so năm 2010.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể ngành du lịch còn kém phát triển và tụt hậu so với các tỉnh trong khu vực; du lịch Ninh Thuận vẫn chưa được chú ý nhiều trên bản đồ du lịch của cả nước và chưa trở thành thị trường hấp dẫn để thu hút các công ty lữ hành trong và ngoài nước. Tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, lạc hậu, thiếu tính kết nối; số lượng du khách còn ít, thời gian lưu trú ngắn; các cơ sở lưu trú, nhà hàng khách sạn không đáp ứng nhu cầu cả về số lượng và chất lượng, nhất là vào những mùa cao điểm hoặc khi tổ chức những sự kiện lớn. Việc tổ chức hoạt động du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, thiếu tính chuyên nghiệp; các dịch vụ vui chơi, giải trí ít, nghèo nàn, đơn điệu và chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút du khách ở lại lưu trú lâu ngày; nguồn thu ngân sách từ du lịch đạt thấp, chưa đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội; nhiều dự án du lịch đầu tư dàn trải, kéo dài, chậm tiến độ và hiệu quả thấp.

Hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân khách quan là do điều kiện địa lý khí hậu, vị trí địa lý chưa thật sự thuận lợi; hạ tầng giao thông xuống cấp và thiếu đồng bộ; khủng hoảng kinh tế thế giới và chủ trương thắt chặt đầu tư công của Chính phủ, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư hạn chế; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ chậm đã tác động không nhỏ đến việc thu hút đầu tư xây dựng các dự án du lịch mới và làm chậm tiến độ các dự án du lịch đã triển khai, trong đó có những dự án du lịch trọng điểm của tỉnh.

Về chủ quan là do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, vị trí của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội; công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp chưa thật sự hiệu quả; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức; huy động nguồn lực gặp nhiều khó khăn, nhất là chưa tiếp cận tốt các nguồn vốn ODA, vốn chương trình mục tiêu quốc gia về hạ tầng du lịch; một số dự án triển khai chậm, manh mún, tự phát, hiệu quả không cao; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương trong phát triển du lịch thiếu chặt chẽ, không thích ứng yêu cầu hội nhập và phát triển theo cơ chế thị trường. Việc liên kết các điểm, tua, tuyến du lịch còn mang tính tự phát, thiếu bền vững. Công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Thuận chưa được chú trọng đúng mức. Việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông cũng như liên kết giữa các dịch vụ giao thông đường hàng không, đường bộ, đường sắt, các trạm dừng chân, dịch vụ nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật, sản phẩm làng nghề, dịch vụ thương mại với hoạt động du lịch chưa có sự gắn kết và lồng ghép một cách có hiệu quả...

II- Quan điểm và mục tiêu

Với vị trí địa kinh tế có điều kiện thuận lợi về giao thông, nằm trong vùng khí hậu khô hạn đặc thù “ít mưa, nhiều nắng, gió”; bờ biển dài 105 km với nhiều vịnh, bãi tắm đẹp, còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ tự nhiên; có nhiều sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và tiểu thủ công nghiệp đặc trưng; nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa của các dân tộc trong tỉnh được gìn giữ và phát huy là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch biển và du lịch văn hoá... Vì vậy, để từng bước đưa du lịch Ninh Thuận phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong những năm tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các nội dung như sau:

1- Quan điểm

- Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế trụ cột của tỉnh do đó cần tập trung tuyên truyền, quán triệt và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo quy hoạch tổng thể để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và bước đột phá mới nhằm thúc đẩy du lịch phát triển đúng hướng, nhanh và bền vững.

- Phát triển du lịch là nhiệm vụ lâu dài, là trách nhiệm chung của toàn Đảng bộ, của các ngành các cấp, các ngành và toàn dân. Gắn phát triển du lịch với các ngành kinh tế khác để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Tập trung mọi nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương. Nhà nước tập trung quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch về giao thông, hệ thống cấp điện, nước... gắn việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. Ưu tiên thu hút một cách có chọn lọc các dự án đầu tư du lịch cao cấp và các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đồng bộ, có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch và dịch vụ phục vụ du lịch, tạo bước đột phá mới, căn bản và có tính chiến lược trong phát triển du lịch.

- Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên; gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

- Giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ và đời sống nhân dân vùng có các dự án du lịch.

2- Mục tiêu

- Xây dựng Ninh Thuận trở thành một điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao và có uy tín trên bản đồ du lịch của cả nước. Đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch để tiến kịp các địa phương trong khu vực. Tăng dần tỷ trọng ngành du lịch trong GDP của tỉnh, trở thành ngành kinh tế trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vào năm 2020. Phấn đấu đưa Ninh Thuận vào vùng trọng điểm du lịch quốc gia, gắn với việc xây dựng và hình thành thương hiệu du lịch Ninh Thuận.

- Huy động các nguồn lực đầu tư để tăng nhanh số lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng, tụ điểm vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp... để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách; đẩy nhanh tiến độ các dự án có quy mô lớn gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng ngành du lịch chiếm 8% GDP; năm 2020 chiếm 12% GDP, năm 2030 chiếm 20% trong cơ cấu GDP của tỉnh. Đến năm 2015, đón khoảng 1,3 - 1,4 triệu lượt khách; năm 2020, đón khoảng 2,5 - 3 triệu lượt khách và đến năm 2030, đón khoảng 6 triệu lượt khách.

III- Một số nhiệm vụ trọng tâm

1- Tổ chức tốt việc lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch

Hoàn thành việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành du lịch Ninh Thuận phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đồng thời phù hợp quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu của tỉnh; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành phố; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị đến năm 2020...

Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh phải tuân thủ quan điểm phát triển bền vững và hiệu quả cao, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp, nông nghiệp; giữa phát triển du lịch với phát triển văn hóa, con người mới và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường.

Chú trọng Quy hoạch và đầu tư xây dựng các trạm dừng chân dọc tuyến Quốc lộ 1A đi qua địa bàn tỉnh, phát triển hệ thống siêu thị, nhà hàng, tụ điểm sinh hoạt văn hoá, thể thao và các loại hình phục vụ du lịch khác.

2- Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch

Xây dựng lộ trình thích hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả việc phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận theo từng giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015, từ năm 2015 đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, hệ thống cấp điện, nước tại các vùng có tiềm năng phát triển du lịch để thu hút các nhà đầu tư có năng lực vào tham gia các dự án du lịch lớn, ưu tiên các dự án du lịch cao cấp, nhất là dải ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná và khu vực Đầm Nại. Trước mắt, tập trung hoàn thiện tuyến đường ven biển, đường đôi vào thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Quốc lộ 27; triển khai xây dựng đường đi bộ ven biển và hệ thống chiếu sáng dọc theo bãi biển Bình Sơn- Ninh Chữ.

Huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án đang triển khai tại khu du lịch Bình Tiên và các dự án du lịch ven biển Ninh Chữ, Vĩnh Hy, Sơn Hải, Cà Ná, đồng thời khuyến khích mở rộng và nâng cấp các hạng sao ở những cơ sở lưu trú hiện có để tăng nhanh số buồng, phòng đáp ứng nhu cầu lượng khách tăng mạnh vào mùa du lịch cao điểm và phục vụ tổ chức các sự kiện lớn ở địa phương.

Đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch tại các làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch như gốm Bầu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp, các làng nghề biển, các làng trồng nho gắn với sản xuất rượu vang nho; các trạm dừng chân trên tuyến quốc lộ... Làm tốt công tác bảo tồn, trùng tu các di tích lịch sử văn hoá và đầu xây dựng hạ tầng du lịch khu vực tháp Pô Klong Garai, tháp Pô Rome, bẫy đá Pi-năng Tắc... Phát triển thêm các điểm đến du lịch mới như Bảo tàng tỉnh, Trung tâm nghiên cứu văn hoá Chăm và một số điểm có cảnh quan thiên nhiên đẹp như thác Cha-pơ, thác Sakai...

Đầu tư nâng cấp các trung tâm sinh hoạt văn hoá, thể thao như Sân vận động tỉnh, Trung tâm văn hoá tỉnh, khu vực Quảng trường 16/4, công viên ven biển Bình Sơn- Ninh Chữ đáp ứng tốt việc tổ chức các sự kiện lớn của tỉnh và của đất nước.

3- Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh

Xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, du lịch sinh thái thân thiện với môi trường tự nhiên. Ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực và có quyết tâm để phát triển các dự án du lịch cao cấp 4 - 5 sao, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp các loại hình spa cao cấp tại những khu vực có vị trí thuận lợi.

Quan tâm đầu tư để xây dựng các tuyến, điểm du lịch của tỉnh kết nối với tua với các tỉnh lân cận; ưu tiên phát triển các loại hình du lịch thể thao biển như: du thuyền, lướt ván buồm, thuyền buồm, kéo dù, bơi lội ngắm rạn san hô, đua mô tô trên cát...

Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển du lịch cộng đồng, các ngành công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ phục vụ du lịch. Đưa du lịch về nông thôn và miền núi để thu hút lao động, tạo việc làm tại chỗ, góp phần giảm nghèo cho nhân dân vùng phát triển các dự án du lịch.

Tập trung kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại và các dịch vụ thương mại ở đô thị và ở các khu du lịch, xây dựng và đa dạng hoá mẫu mã, chất lượng đồ lưu niệm mang thương hiệu Ninh Thuận từ các sản phẩm làng nghề thủ công của địa phương, đáp ứng nhu cầu mua sắm cho du khách.

Khuyến khích phát triển các hoạt động kinh doanh, dịch vụ liên quan đến du lịch, tạo cơ chế thông thoáng để các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các khu, tụ điểm vui chơi giải trí, các loại hình hoạt động văn hoá, thể thao lành mạnh, hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách.

Thúc đẩy dịch vụ lữ hành để tổ chức liên kết chặt chẽ với các Hiệp hội du lịch và các tổ chức lữ hành trong và ngoài nước, hình thành và đa dạng hóa các tua, tuyến du lịch.

4- Đẩy mạnh hoạt động thông tin quảng bá, xúc tiến đầu tư

Đa dạng hóa các hình thức thông tin, quảng bá, xúc tiến đầu tư về du lịch Ninh Thuận trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quảng bá của trang thông tin điện tử du lịch Ninh Thuận.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương để làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu thương hiệu du lịch Ninh Thuận; gắn quảng bá với nâng cao số lượng cơ sở lưu trú và chất lượng dịch vụ du lịch.

5- Tăng cường các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với du lịch

Thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động quy mô tầm quốc gia và quốc tế nhân các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội lớn, nhất là các chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng, các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân và du khách.

Xây dựng, củng cố và tổ chức tốt hoạt động của các đoàn, đội, nhóm nghệ thuật mang âm hưởng dân gian, dân tộc trở thành sản phẩm văn hoá đặc thù của địa phương phục vụ hoạt động du lịch. Gắn với việc bảo tồn và phát huy, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh để phát triển du lịch văn hóa.

6- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Tiến hành điều tra cơ bản nguồn nhân lực du lịch hiện có để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, tạo sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp, nông thôn sang lĩnh vực du lịch.

Tổ chức tốt công tác thông tin về phát triển du lịch để nhân dân lựa chọn các ngành nghề đào tạo. Đa dạng hóa các hình thức giáo dục, phổ cập kiến thức về du lịch, ngoại ngữ, kiến thức về quốc phòng-an ninh, kiến thức về văn hóa, lịch sử cho cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân vùng phát triển du lịch. Phối hợp với các trường cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn tỉnh đào tạo cán bộ quản lý, nhân viên chuyên trách và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Phối hợp với các doanh nghiệp du lịch xã hội hóa các hình thức bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ quản lý nhà hàng khách sạn, nhân viên, lễ tân, hướng dẫn viên, tiếp viên theo hướng chuyên nghiệp.

7- Xây dựng môi trường du lịch thân thiện và hấp dẫn

Ban hành cơ chế, chính sách thông thoáng, hấp dẫn để thu hút các cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn ở các vùng du lịch để có cảnh quan khang trang, xanh, sạch, đẹp, đảm bảo trật tự mỹ quan và môi trường du lịch hấp dẫn. Tăng cường các biện pháp quản lý vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các khu du lịch, trên các bãi biển, mặt biển, điểm đến du lịch.

Kết hợp phát triển du lịch với việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả Đề án “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh, sạch, đẹp” nhằm từng bước xây dựng Ninh Thuận thành địa phương có môi trường tự nhiên đẹp, môi trường xã hội thân thiện, lành mạnh, hấp dẫn và ổn định, an toàn, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách.

IV- Một số giải pháp chủ yếu

1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò quan trọng của phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay; tạo sự đồng thuận và nhất quán về quan điểm xác định phát triển du lịch là một trong những ngành kinh tế động lực, là một trong bốn ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, tạo bước chuyển hướng mang tính đột phá về du lịch để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền về du lịch. Từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ công chức quản lý du lịch các cấp theo hướng đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Tăng cường công tác quản lý, thẩm định các dự án đầu tư mới về du lịch trên nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường, cảnh quan nơi xây dựng dự án; áp dụng nghiêm ngặt hệ số xây dựng trên diện tích được giao với kiến trúc cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phù hợp với cảnh quan, hạn chế tối đa việc thay đổi địa hình tự nhiên. Đẩy mạnh công tác thẩm định, phân hạng cơ sở lưu trú du lịch; quản lý tốt hoạt động lữ hành-vận chuyển du lịch; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường cảnh quan, môi trường xã hội tại các khu, điểm du lịch. Vận động hình thành và hỗ trợ Hiệp hội du lịch Ninh Thuận hoạt động đạt hiệu quả.

3- Trên cơ sở Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh, kịp thời ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực du lịch từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư vào các dự án xây dựng khu du lịch cao cấp ở các vùng có vị trí thuận lợi theo quy hoạch. Ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế các dự án du lịch phù hợp với các quy định về ưu đãi đầu tư hiện hành. Tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, bình đẳng và đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế; đồng thời tăng cường công tác quản lý đầu tư, kiểm tra, rà soát và cương quyết thu hồi những dự án du lịch chậm triển khai.

4- Tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, bố trí ngân sách lồng ghép với các chương trình, dự án trong và ngoài nước, tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA, ngân sách hỗ trợ của Trung ương và đầu tư của các thành phần kinh tế để xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, ưu tiên xây dựng và nâng cấp các đường giao thông kết nối các điểm, tua, tuyến du lịch. Quan tâm đầu tư xây dựng các trạm dừng chân trên các trục đường giao thông quan trọng đi qua địa bàn tỉnh, các công trình phục vụ khách du lịch tại các điểm đến du lịch, các làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử văn hoá. Thực hiện tốt công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho nhân dân vùng phát triển du lịch, đồng thời tăng cường công tác quản lý chặt chẽ trong đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chất lượng và tiến độ các dự án du lịch.

5- Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu con người, quê hương Ninh Thuận nói chung và thương hiệu du lịch Ninh Thuận nói riêng cho bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Từng bước khẳng định vị thế cạnh tranh của tỉnh với tư cách là một điểm đến du lịch có thương hiệu trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế đến năm 2020, mở rộng liên kết với các tỉnh lân cận và các vùng du lịch trọng điểm, hỗ trợ và làm cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước hợp tác, phát triển tua, tuyến để đưa du khách đến với Ninh Thuận.

6- Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực du lịch, đầu tư kiện toàn tổ chức và hoạt động của Trung tâm xúc tiến du lịch và Hiệp hội du lịch tỉnh. Có chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài tham gia vào các lĩnh vực du lịch từ cấp quản lý đến người lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Tạo cơ chế chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế hình thành các công ty lữ hành, xúc tiến du lịch, tổ chức ký kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực du lịch để kết nối thị trường du lịch.

V- Tổ chức thực hiện

1- Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các ban Đảng, ban cán sự đảng, Đảng đoàn tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả các nội dung đề ra.

2- Đảng đoàn HĐND tỉnh chỉ đạo xây dựng và phê duyệt các quy hoạch về du lịch; các cơ chế, chính sách thu hút phù hợp, đồng thời tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch, chương trình về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

3- Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo quy hoạch; cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển du lịch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từng năm. Chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ, tổng kết kịp thời để rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện.

4- Đảng đoàn UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp và các đoàn thể chính trị xã hội tỉnh xây dựng kế hoạch quán triệt, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng, tích cực tham gia triển khai thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển du lịch của tỉnh.

5- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn việc triển khai, quán triệt nghị quyết; chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng định hướng cơ quan thông tin, truyền thông thường xuyên tuyên truyền việc triển khai và kết quả thực hiện nghị quyết, các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

6- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban xây dựng Đảng có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; định kỳ hàng năm, 5 năm báo cáo kết quả và đề xuất Ban Thường vụ có giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc kịp thời nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các nội dung nghị quyết đề ra.