Trong thực tế, công dân đến trình bày ở nơi tiếp công dân thường không phân biệt được các loại việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và chỉ phân loại được nội dung vụ việc của công dân sau khi đã tiếp nhận, nghiên cứu sơ bộ bước đầu đơn của công dân. Do đó, việc tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức càng trở nên cần thiết và quan trọng trong việc giải quyết những tâm tư, nguyện vọng, những nhu cầu chính đáng của công dân trong điều kiện hiện nay. Mặt khác, trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định riêng về công tác tiếp công dân nên Luật Khiếu nại năm 2011 đã dành một chương quy định về việc tổ chức tiếp công dân với những điểm mới sau.
1. Trụ sở tiếp công dân của các cơ quan Đảng và Nhà nước được tổ chức ở trung ương và địa phương để tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Địa điểm tiếp công dân là nơi tiếp công dân do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bố trí để tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật. Như vậy, so với Luật Khiếu nại, tố cáo thì Luật Khiếu nại 2011 không chỉ quy định tiếp công dân ở các cơ quan trong bộ máy nhà nước mà mở rộng ra cả ở các cơ quan của Đảng.
2. Luật Khiếu nại đã quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân, quy định trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân và của người phụ trách trụ sở, địa điểm tiếp công dân.
3. Về nội dung, bảo đảm việc tiếp công dân có hiệu quả cũng như góp phần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định việc tiếp công dân không chỉ tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến khiếu nại, tố cáo mà còn cả các kiến nghị, phản ánh thể hiện những tâm tư, vướng mắc nói chung của công dân. Đây là nội dung mới nhằm bảo đảm thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, thiết thực thể hiện bản chất nhà nước pháp quyền xã hội xã hội chủ nghĩa nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào các công việc của nhà nước.
4. Để bảo đảm cho việc tiếp công dân đạt hiệu quả cao, Luật Khiếu nại năm 2011 quy định cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp công dân trong hai trường hợp: (1) khi người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về vụ việc đã được kiểm tra xem xét và đã có quyết định hoặc kết luận giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và đã được trả lời đầy đủ và (2) những người vi phạm quy chế tiếp công dân.
5. Để gắn trách nhiệm với người có trách nhiệm, Luật Khiếu nại năm 2011 đã quy định người phụ trách trụ sở, địa điểm tiếp công dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người có thẩm quyền, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo của người có trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Với những nội dung mới nêu trên của Luật Khiếu nại năm 2011, công tác tiếp công dân sẽ góp phần phát huy bản chất Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân của Nhà nước ta, củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ, bền vững giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, thể hiện trách nhiệm của cơ quan Đảng, Nhà nước đối với nhân dân. Làm tròn trách nhiệm tiếp công dân như Luật quy định sẽ là minh chứng cụ thể, sống động cho tinh thần tôn trọng nhân dân, tận tuỵ phục vụ nhân dân của cơ quan Đảng và Nhà nước, sẽ tác động tích cực đến tình cảm, thái độ của nhân dân, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào các cơ quan Nhà nước. Mặt khác, chính thông qua công tác tiếp công dân sẽ giúp cho Đảng và Nhà nước luôn gần gũi với nhân dân, lắng nghe được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân nhằm nắm bắt được những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống để từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn và hợp lòng dân.
Trương Tiến Hưng
Phó Giám đốc Sở Tư pháp