Những điều cần biết về bệnh lao

(NTO) Theo Tổ chức Y tế thế giới mỗi năm trên thế giới có khoảng 10 triệu người mắc bệnh lao mới và 3 triệu người tử vong do bệnh lao; trong đó khoảng 3,3 triệu phụ nữ mắc bệnh lao mới và 380.000 phụ nữ tử vong do bệnh lao.

Việt Nam hàng năm có khoảng 180.000 người mắc bệnh lao mới và 29.000 người tử vong, xếp thứ 14/ 27 nước có gánh nặng lao đa kháng trên toàn cầu. Ninh Thuận năm 2011 thu nhận điều trị 810 người mắc bệnh lao mới, trong đó điều trị âm hóa đàm (trong đàm không còn vi khuẩn lao) khoảng 90,2%.

Thuốc chống lao đã được thế giới phát hiện khá nhiều và chứng minh hiệu quả đã cứu sống nhiều người. Nhưng gần đây vì không tuân thủ đúng phác đồ điều trị với nhiều lý do nên vi khuẩn lao đã kháng nhiều thuốc. Hiện nay phác đồ Đa hóa trị liệu ngắn ngày (DOTS) là phác đồ tốt nhất đang được áp dụng điều trị bệnh lao trên toàn tỉnh, có hiệu quả âm hóa đàm đến hơn 90%, vì vậy chúng ta vẫn khẳng định bệnh lao chữa được. Khi áp dụng phác đồ điều trị DOTS sẽ làm sạch vi khuẩn lao trong đàm sau 2 tuần đến 1 tháng, nên không cần cách ly bệnh nhân quá lâu tạo ra tâm lý, tình cảm không tốt trong gia đình.

Tuy nhiên bệnh lao hiện nay vẫn còn là một vấn đề sức khỏe quan trọng mà mọi người cần biết:

- Khi thấy ho khạc kéo dài trên 2 tuần hoặc thường sốt về chiều hoặc sút cân nhanh mà không tìm ra lý do thì nên đến các trung tâm y tế huyện, thành phố khám bệnh để phát hiện sớm bệnh lao và điều trị kịp thời.

- Trong cộng đồng đã tồn tại vi khuẩn lao đa kháng thuốc rất nguy hiểm, nên khi điều trị thì bệnh nhân phải thực hiện đúng hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa lao, nếu có vấn đề gì thì cần phải hỏi lại chính thầy thuốc điều trị cho mình, không nghe lời mách bảo để tránh tình trạng bỏ trị nữa chừng tạo thêm tình trạng lao kháng thuốc.

- Theo các báo cáo khả năng người nhiễm vi khuẩn lao trong cộng đồng từ 30 – 40% tức là khó tránh bị nhiễm. Nhưng bị nhiễm vi khuẩn lao không có nghĩa là đã mắc bệnh lao, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ bị bạch cầu “ăn ” và nhốt trong các hạch vùng và chúng ngủ đông tại đây trong nhiều năm… và chờ dịp cơ thể bị suy yếu là chúng bùng dậy gây bệnh lao cho người nhiễm. Tuy nhiên người già, trẻ em và người có hệ miễn dịch yếu thì có thể mắc bệnh ngay sau khi nhiễm vi khuẩn lao 2 tuần.

- Để phòng bệnh lao chúng ta cần tránh: làm việc quá sức; ăn uống thiếu chất lượng, thất thường; thức quá khuya và thường xuyên; lạm dụng rượu, bia quá mức và các chất kích thích; nhà cửa ẩm thấp, tối tăm, thiếu ánh nắng và không khí.

- Nên tập thể dục đều đặn, ăn ngủ điều độ, làm việc có kế hoạch và vừa sức; bỏ thuốc lá, dùng bia rượu chừng mực, có nếp sống lành mạnh để luôn có sức khỏe khống chế bệnh lao.