Theo phác đồ mới, Bộ Y tế chia bệnh tay chân miệng làm 4 độ bệnh:
- Độ 1, có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở khi trẻ chỉ loét miệng, tổn thương da.
- Độ 2 (gồm 2a, 2b), bệnh nhân cần được nhập viện điều trị. Trong đó:
+ Giai đoạn 2a bao gồm một trong các dấu hiệu sau: Bệnh sử có giật mình dưới 2 lần/30 phút và không ghi nhận lúc khám; sốt trên 2 ngày, hay sốt trên 390 C, nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
+ Giai đoạn 2b: giật mình ghi nhận lúc khám, ngủ gà, run chi, yếu chi hoặc liệt chi, sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, liệt thần kinh sọ…
- Từ độ 3 – 4, bệnh nhân cần được điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực.
Bệnh nhân độ 3 khi mạch nhanh trên 170 lần/phút, cao huyết áp, thở nhanh, thở bất thường, rối loạn tri giác, tăng trương lực cơ. Bệnh nhân chuyển sang độ 4 khi có một trong các dấu hiệu: Sốc, phù phổi cấp, tím tái, ngưng thở, thở nấc.
Ảnh minh họa
Phân tuyến điều trị
Theo quy định mới, trạm y tế xã và phòng khám tư nhân có thể khám và điều trị ngoại trú bệnh tay chân miệng độ 1; bệnh viện huyện, bệnh viện tư nhân khám, điều trị tay chân miệng độ 1 và 2a; bệnh viện đa khoa, đa khoa khu vực, chuyên khoa Nhi tuyến tỉnh, bệnh viện Nhi, Truyền nhiễm và các bệnh viện được Bộ Y tế phân công là bệnh viên tuyến cuối của các khu vực có thể khám, điều trị bệnh tay chân miệng tất cả các độ.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến dưới phải tiến hành chuyển tuyến nếu bệnh nhân có dấu hiệu mắc bệnh độ nặng hơn so với chức năng điều trị của đơn vị mình.
4 tiêu chuẩn xuất viện
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), 3 tháng đầu năm tại 63 tỉnh thành đã ghi nhận 15.000 ca mắc tay chân miệng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm 2011, trong đó 11 ca tử vong.
Người bệnh tay chân miệng có biến chứng nặng (độ 3, 4) được chỉ định xuất viện không chỉ ổn định về lâm sàng mà còn phải ổn định về các biến chứng và di chứng. Đối với các trường hợp bệnh tay chân miệng điều trị nội trú khác có thể xuất viện khi có đủ 4 điều kiện sau:
Một là, không sốt ít nhất 24 giờ liên tục (không sử dụng thuốc hạ sốt)
Hai là, không còn các biểu hiện lâm sàng phân độ nặng từ độ 2a trở lên ít nhất trong 48 giờ.
Ba là, có điều kiện theo dõi tại nhà và tái khám ngay nếu có diễn tiến nặng (nếu chưa đến ngày thứ 8 của bệnh, tính từ lúc khởi phát).
Bốn là, các di chứng (nếu có) đã ổn định: không cần hỗ trợ hô hấp, ăn được qua đường miệng.
Áp dụng các biện pháp phòng ngừa
Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu. Cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
Cụ thể, cần phòng bệnh ở cộng đồng bằng các biện pháp cụ thể như:
- Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.
- Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
- Cách ly trẻ bệnh tại nhà, không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh.
Nguồn www.chinhphu.vn