Như vậy sốt là một phản ứng có lợi cho cơ thể để chống lại sự tấn công của tác nhân gây bệnh. Y khoa chia sốt làm 4 mức độ:
Từ 36,5oC – 37,5oC: thân nhiệt bình thường
Trên 37,5oC – 38,5oC: sốt nhẹ
Trên 38,5oC – 39,5oC: sốt vừa
Trên 39,5oC : sốt nặng
Trên 42oC: rất nguy hiểm đến tính mạng, thường thấy trong trúng nắng và các bệnh ác tính.
Tuy nhiên sốt cũng sẽ dẫn đến những hậu quả như cơ thể mất nước, tiêu hao năng lượng nhiều (sốt tăng 1oC thì cơ thể tăng 13% năng lượng cơ bản) nên người bị sốt gầy sút nhanh. Có một số trẻ mê sảng hoặc co giật khi sốt cao.
Vậy khi nào cần hạ sốt và hạ sốt thế nào cho an toàn và có lợi cho sức khỏe?
- Đo thân nhiệt người bệnh: vẩy nhẹ nhiệt kế nhiều lần để mực thủy ngân tụt dưới 36oC. Đặt nhiệt kế vào hõm nách, ép sát cánh tay vào thân để giữ chắc nhiệt kế, khoảng 5 - 10 phút lấy nhiệt kế ra, đọc mức thủy ngân trên vạch và cộng thêm 0,5oC là thân nhiệt người bệnh. Nhiệt độ dưới hoặc bằng 38,5oC thì không cần phải hạ nhiệt độ, cho trẻ uống thêm nước chín, có dung dịch ORESOL càng tốt. Nếu nhiệt độ trên 38,5oC thì cần hạ nhiệt.
- Có thể cho bé uống Paracetamol 15mg/kg cân nặng/mỗi 6 giờ; không quá 65mg/kg cân nặng/mỗi ngày vì độc cho gan;
- Nếu trẻ sốt nhiều hơn thì lau nước ấm cho trẻ. Dùng một khăn thấm đẫm nước vắt vừa ráo chườm ở trán để nhanh chóng hạ nhiệt vùng đầu ngăn nguy cơ trẻ co giật. Dùng chiếc khăn khác thấm nước ấm lau vùng lưng, vùng bụng, bẹn, đùi, mông, không nên lau nước ở vùng ngực khoảng 5 – 15 phút cho đến lúc thấy trẻ mát, lau khô mình và mặc quần áo mỏng, thoáng cho trẻ. Không để trẻ thân trần.
- Nếu trẻ co giật: dùng chiếc đũa con bằng tre ngáng ngang miệng trẻ để tránh cắn phải lưỡi; không được đút ngón tay vào miệng trẻ sẽ cắn đứt tay. Lau mát như trên, khi trẻ hết co giật thì đưa ngay trẻ đến bệnh viện.
Khi trẻ sốt nhẹ, có thể cho trẻ uống Paracetamol và uống nước chín, nước trái cây, theo dõi trong ngày; nếu trẻ còn sốt thì nên đưa trẻ đi khám bệnh, không nên tự ý mua thuốc và điều trị cho trẻ.
BS Nguyễn Năm