Trong năm 2012, tập trung hoàn thành thống kê Danh mục điều ước quốc tế,
thỏa thuận quốc tế từ năm 1945 đến nay
Theo chỉ thị của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế của bộ, ngành, địa phương; cử đơn vị, cán bộ đầu mối về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế của bộ, ngành, địa phương và thông báo cho Bộ Ngoại giao trước ngày 1/5/2012.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, thống kê điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thuộc lĩnh vực của Bộ, ngành, địa phương mình; cung cấp kịp thời thông tin cho Bộ Ngoại giao về tình trạng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; gửi Bộ Ngoại giao văn bản điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã ký kết, để hoàn thiện cơ sở dữ liệu điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế của Việt Nam đặt tại Bộ Ngoại giao.
Năm 2012, hoàn thành thống kê danh mục điều ước quốc tế từ năm 1945
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong năm 2012, tập trung hoàn thành thống kê Danh mục điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế từ năm 1945 đến nay thuộc lĩnh vực của từng bộ, ngành, địa phương, trong đó xác định rõ các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đang có hiệu lực, hoặc chưa có hiệu lực, hoặc đang được đàm phán, gửi Bộ Ngoại giao trước ngày 15/9/2012.
Bên cạnh đó, hoàn thành thống kê Danh mục thỏa thuận nhân danh bộ, ngành đang có hiệu lực, được ký kết trước ngày 1/1/2006 và đề xuất các biện pháp cần thiết về việc ký điều ước quốc tế mới, hoặc chấm dứt hiệu lực thỏa thuận đó theo Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, hoặc tiến hành ký kết thỏa thuận quốc tế mới nhân danh bộ, ngành theo Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế hoặc đề xuất khác, gửi Bộ Ngoại giao trước ngày 15/9/2012 để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, ký kết thỏa thuận quốc tế, tiến hành các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng phải làm gấp thủ tục khi có yêu cầu đàm phán, ký, triển khai thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; khẩn trương tiến hành hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành thủ tục đưa điều ước quốc tế có hiệu lực. Thực hiện kịp thời và đầy đủ trách nhiệm của cơ quan phối hợp trong công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế khi có yêu cầu.
Đôn đốc doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng, cam kết quốc tế đã ký
Chỉ thị cũng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đang có hiệu lực thuộc phạm vi lĩnh vực của từng bộ, ngành, địa phương, nhằm bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế một cách thống nhất trong từng lĩnh vực, đồng thời có sự bổ trợ lẫn nhau giữa các lĩnh vực có liên quan.
Đồng thời, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng, cam kết quốc tế của doanh nghiệp được ký nhân dịp các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao; kịp thời phối hợp với Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để xử lý khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo và đề xuất dự kiến kế hoạch công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, trong đó chú trọng đánh giá tình hình thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đang có hiệu lực. Tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm về công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và kế hoạch năm tiếp theo, gửi Bộ Ngoại giao trước ngày 15/11 hàng năm để tổng hợp trình Chính phủ.
Trong năm 2012, các bộ, ngành, địa phương tổng hợp báo cáo công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, dự kiến kế hoạch năm 2013 và giai đoạn 2014-2015 của từng bộ, ngành, địa phương, gửi Bộ Ngoại giao trước ngày 15/11/2012 để tổng hợp trình Chính phủ.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Nguồn www.chinhphu.vn