Chế độ với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 23/2012/NĐ-CP quy định một số chế độ với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 có từ đủ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Theo đó, Nghị định áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân, nhập ngũ, tuyển dụng sau ngày 30/4/1975 trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế có đủ từ 20 năm trở lên phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu hiện không thuộc diện đang hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động, hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng thuộc một trong các trường hợp:

Thứ nhất, đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 1/4/2000.

Thứ hai, thương binh bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang điều dưỡng tại các đoàn điều dưỡng thương binh hoặc từ các đoàn điều dưỡng thương binh đã về gia đình.

Thứ ba, quân nhân, công an, cơ yếu đã có quyết định chuyển ngành trước ngày 1/4/2000 nhưng không thực hiện chế độ chuyển ngành hoặc đã thôi phục vụ tại ngũ về địa phương mà chưa giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Thứ tư, quân nhân, công an, cơ yếu đã được giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc rồi đi lao động hợp tác quốc tế hoặc được đơn vị cử đi lao động hợp tác quốc tế về nước và đã được giải quyết chế độ phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 1/4/2000.

Quy định mức lương hưu

Mức lương hưu hàng tháng của các đối tượng nêu trên được tính theo số năm thực tế phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu.

Mức lương hưu và mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định như sau:

Mức lương hưu: cứ đủ 15 năm tính bằng 45% mức bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH; sau đó, cứ thêm 1 năm đóng BHXH được tính thêm 3% đối với nữ và 2% đối với nam. Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH.

Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng sinh hoạt phí thì mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 1 tháng lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ cho từng thời kỳ.

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu hàng tháng là bình quân tiền lương tháng của 5 năm cuối (60 tháng) trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc, chuyển ngành hoặc chuyển sang đoàn điều dưỡng thương binh thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý hoặc trước khi đi lao động hợp tác quốc tế.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối, bao gồm: Tiền lương theo cấp bậc quân hàm, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) được chuyển đổi thành hệ số lương tương ứng quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP gnày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Mức lương quân hàm Chuẩn úy tính bằng hệ số 3,9.

Chế độ trợ cấp một lần

Nghị định cũng quy định đối tượng thứ nhất, thứ ba và thứ tư như vừa nêu trên đã từ trần trước ngày 1/1/2012, bao gồm cả đối tượng từ trần khi đang tại ngũ hoặc đang công tác thì một trong những thân nhân sau đây của đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3,6 triệu đồng: vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi; bố đẻ, mẹ đẻ hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp.

Cả 4 đối tượng trên nếu chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định; khi từ trần, người lo mai táng được hưởng chế độ mai táng phí, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần và các chế độ, chính sách khác như người hưởng lương hưu theo quy định hiện hành của pháp luật về BHXH.

Nghị định 23/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2012. 

Nguồn www.chinhphu.vn