Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Ngày 29-3, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị này.

Những năm gần đây thiên tai đã xảy ra trên địa bàn cả nước với mức độ nghiêm trọng, gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Tỉnh Ninh Thuận với địa hình đa dạng, phức tạp, hàng năm thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, lũ, bão; hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình phòng, chống lụt bão tuy đã được đầu tư, tu bổ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai.

Do tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai, lụt, bão ngày càng cực đoan, bất thường, khó dự báo; đồng thời để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 23-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ, thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt một số việc sau đây:

1/ Các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, trên cơ sở đó xây dựng phương án, nhiệm vụ năm 2012 sát với tình hình thực tế, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, các ngành. Công việc hoàn thành trước 15-4-2012.

Tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng. Lồng ghép phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào quy hoạch, dự án của ngành, địa phương. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh; bổ túc kiến thức, phổ biến kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão cho các cán bộ mới được bổ nhiệm phụ trách lĩnh vực.

Kiểm tra lại lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, đồng thời sẵn sàng thực hiện lệnh điều động của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

2/ Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011; xây dựng phương án, nhiệm vụ năm 2012.

Chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố xây dựng phương án di dời dân khi có bão, lũ xảy ra trên địa bàn, trên cơ sở phương án chi tiết cụ thể của các xã, phường, thị trấn.

Phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng, chống lụt bão, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Phối hợp với các địa phương, đơn vị có kế hoạch kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các trụ đèn báo bão, các trạm thủy văn, các trạm đo mưa trên địa bàn tỉnh.

Kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống lụt bão của các ngành, địa phương trước mùa mưa lũ năm 2012, chủ động đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh quyết định những việc cần thiết, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão.

Trên cơ sở báo cáo tổng kết và phương án phòng, chống lụt bão của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011; triển khai phương án, nhiệm vụ năm 2012, thời gian thực hiện trong tháng 5-2012.

3/ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Khẩn trương phối hợp với các địa phương, đơn vị hoàn thành việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống đê, kè, cống và các hồ chứa nước.

Chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận và các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn từng hồ chứa nước trước mùa mưa lũ và xây dựng phương án phòng, chống lụt bão, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du.

Phối hợp với các địa phương vùng thường xuyên bị lũ lụt để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ thích hợp, nhằm hạn chế thiệt hại trong mùa mưa lũ.

Phối hợp với các huyện, thành phố ven biển kiểm tra, rà soát công tác đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền đánh bắt hải sản theo quy định nhà nước hiện hành. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra điều kiện kỹ thuật, trang- thiết bị đảm bảo an toàn trên các tàu thuyền trước khi ra biển (nhất là thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện cứu sinh), không để tàu thuyền không đảm bảo an toàn ra khơi, đặc biệt đối với các tàu thuyền đánh bắt xa bờ; chủ động nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân của tỉnh còn hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới để có hướng dẫn di chuyển tránh, trú bão an toàn. Hướng dẫn kỹ thuật neo đậu tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới, lũ để hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các huyện, thành phố ven biển lập phương án neo đậu tàu thuyền tại các khu tránh trú bão.

4/ UBND các huyện, thành phố: Rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ, bão trên địa bàn (kể cả khu vực thoát lũ ở hạ lưu hồ chứa), chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; trường hợp chưa tổ chức tái định cư lâu dài được, phải xây dựng phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần thiết. Chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm tại các vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ đến từng thôn, xã; bố trí thiết bị, phương tiện cứu nạn tại chỗ, vật tư và kinh phí dự phòng để chủ động phòng, chống thiên tai có hiệu quả.

Có trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương theo quy định, thực hiện tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn xảy ra trên địa bàn. Chủ động sử dụng ngân sách của địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, phục hồi sản xuất.

Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ đê sông Dinh khi xảy ra sự cố.

Các huyện, thành phố ven biển có phương án kiểm tra và kế hoạch chi tiết để chủ động trong việc nắm bắt thông tin liên lạc và tìm kiếm cứu nạn đối với các tàu thuyền hoạt động trên biển khi có bão và áp thấp nhiệt đới xảy ra để có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân.

Các huyện miền núi triển khai các biện pháp cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, trang bị phương tiện thông tin liên lạc, truyền tin tới các thôn để phục vụ cảnh báo và triển khai tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra các tình huống khẩn cấp. Chủ động lập kế hoạch di chuyển những hộ dân đang sinh sống ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất đến nơi an toàn.

5/ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Phan Rang và các huyện, thành phố ven biển kiểm tra chặt chẽ việc trang bị các thiết bị thông tin liên lạc, phương tiện đảm bảo an toàn cho tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển theo quy định nhà nước hiện hành. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển, phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Phan Rang và các huyện, thành phố ven biển nắm chắc số lượng, vị trí tàu thuyền trên biển, hướng dẫn di chuyển đến nơi an toàn; sẵn sàng phương tiện, lực lượng tham gia hộ đê, tìm kiếm cứu nạn khi xảy ra sự cố. Huy động lực lượng Bộ đội Biên phòng giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, bão, lụt.

6/ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Xây dựng các phương án huy động, bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết cho từng vùng, từng địa bàn sẵn sàng ứng cứu các tình huống khẩn cấp về lụt, bão, thực hiện tìm kiếm cứu nạn và tham gia hộ đê, đập khi có sự cố xảy ra; giúp đỡ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lụt, bão, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực trong phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai.

7/ Công an tỉnh: Xây dựng phương án cụ thể bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai, lụt, bão xảy ra; chỉ đạo các lực lượng của ngành phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc sơ tán dân khỏi những vùng nguy hiểm, sẵn sàng phương tiện, lực lượng tham gia hộ đê, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Bố trí lực lượng thực hiện việc đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh, không để ách tắc giao thông, kiểm soát phương tiện giao thông qua các đoạn đường bị ngập sâu.

8/ Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với các địa phương có phương án bảo đảm giao thông trong mùa mưa lũ; chuẩn bị phương tiện, lực lượng đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường giao thông chính trong mọi tình huống khi xảy ra thiên tai, lụt, bão; bố trí vật tư dự phòng ở những vùng trọng điểm để kịp thời ứng cứu và thay thế khi cầu, đường, bến cảng… bị thiên tai làm hư hỏng; chủ động xây dựng các phương án phân luồng giao thông cho từng địa bàn cụ thể khi đường, cầu bị chia cắt do lũ. Phối hợp với các địa phương rà soát các công trình giao thông ảnh hưởng đến thoát lũ để có biện pháp xử lý.

Phối hợp với các huyện, thành phố ven biển rà soát, chấn chỉnh công tác đăng ký, đăng kiểm, quản lý hoạt động của phương tiện vận tải thủy, du lịch theo quy định nhà nước hiện hành.

Phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông vận tải trên biển khi có bão, lũ.

9/ Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với Trung tâm Khí tượng Thủy văn Ninh Thuận tổ chức tốt công tác dự báo, phát các bản tin dự báo, cảnh báo về áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cải tiến nội dung, hình thức cung cấp thông tin dự báo phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận; theo dõi, quan trắc, dự báo sớm lưu lượng lũ về các hồ chứa phục vụ chỉ đạo vận hành phòng, chống lũ có hiệu quả.

Chỉ đạo khắc phục xử lý môi trường sau bão, lũ lụt.

10/ Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh có phương án chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền thường xuyên về nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc chủ động, phòng tránh thiên tai. Xây dựng phương án cụ thể, chi tiết đảm bảo mạng thông tin phục vụ phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh luôn thông suốt trong mọi tình huống, đặc biệt là khi có thiên tai, lụt, bão đang xảy ra.

11/ Sở Công Thương: Chỉ đạo ngành Điện lực đảm bảo an toàn, cũng như khắc phục sự cố duy trì việc cung cấp điện khi có thiên tai xảy ra. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc phạm vi quản lý dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai, lụt, bão khi có yêu cầu.

12/ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội: Theo dõi, bám sát diễn biến lụt, bão, thiên tai, nắm chắc tình hình thiếu đói của nhân dân vùng bị thiên tai. Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giải quyết kinh phí cứu trợ kịp thời nhằm ổn định đời sống nhân dân, không để người dân nào trong vùng bị thiên tai thiếu ăn. Đồng thời hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cứu trợ ở các địa phương, đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra thất thoát, tiêu cực.

13/ Sở Y tế: Chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành chuẩn bị đủ cơ số thuốc, dụng cụ y tế để cấp cứu, cứu trợ khẩn cấp và phòng, chống dịch bệnh ở những vùng có thiên tai; phòng ngừa các dịch bệnh, khắc phục hậu quả sau thiên tai.

14/ Sở Xây dựng: Kiểm tra, cảnh báo các chủ đầu tư không để xảy ra đổ sập giàn giáo, cần cẩu tại các công trình đang thi công gây tai nạn; đảm bảo an toàn cho các nhà ở, chung cư cũ, xuống cấp, các công trình ngầm khi xảy ra lũ lụt, bão, thiên tai. Nghiên cứu đề xuất và phổ biến, hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng các công trình, nhà ở, chung cư nhằm có khả năng chịu được gió, bão, lốc xoáy có cường độ cao, nhất là ở những vùng thường xuyên, trực tiếp ảnh hưởng.

15/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Có trách nhiệm thông báo, khuyến cáo, yêu cầu các doanh nghiệp quảng cáo thực hiện chằng chống, gia cố các pa-nô, biển quảng cáo… đúng kỹ thuật do ngành xây dựng quy định, nhằm đảm bảo an toàn khi có bão, lốc xoáy, gió giật.

16/ Hội Chữ thập đỏ tỉnh: Phối hợp với các sở, ngành và địa phương giải quyết ứng cứu kịp thời về người ở những vùng xảy ra bão, lũ, thiên tai đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh.

17/ Đài Thông tin Duyên hải Phan Rang: Thu nhận thông tin cấp cứu tìm kiếm cứu nạn trên biển và chuyển đến các cơ quan có liên quan để thực hiện tìm kiếm cứu nạn kịp thời, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho ngư dân. Thông tin cấp cứu, cứu nạn tần số 7903 kHz; thông tin dự báo thời tiết biển (bão, áp thấp nhiệt đới…) tần số 7906 kHz.

Đảm bảo thông tin liên lạc cho các tàu thuyền khi hoạt động đánh bắt hải sản trên biển.

18/ Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các phương tiện thông tin đại chúng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng Thủy văn Ninh Thuận, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện đưa tin chính xác, kịp thời về tình hình diễn biến của thiên tai, lụt, bão và các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đến các sở, ngành và địa phương để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, lụt, bão kịp thời và hiệu quả.

19/ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, bố trí ngân sách dự phòng để hỗ trợ các sở, ngành và địa phương phòng, chống và khắc phục hậu quả do thiên tai, lụt, bão; ưu tiên nguồn vốn kế hoạch cho các dự án cấp bách phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

20/ Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả do thiên tai, lụt, bão trong phạm vi sở, ngành mình; đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để tham gia việc phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

T.S