Phấn đấu giữ phong độ xuất khẩu

Tại cuộc họp giao ban trực tuyến thường kỳ tháng 3 giữa hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Nam Hải cho biết: Giá xuất khẩu (XK) hàng hóa năm 2012 đang có xu hướng giảm sau khi đã tăng mạnh trong năm 2011. Điều này tác động không nhỏ tới hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Đặc biệt là đối với lĩnh vực phải nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất hàng XK, DN đang gặp nhiều khó khăn do đã nhập nguyên phụ liệu với giá cao năm 2011, không bán được sản phẩm với giá có lãi, dẫn đến tồn kho, ứ đọng vốn cho sản xuất.

Mặt khác, dù lãi suất ngân hàng đã hạ nhưng khả năng tiếp cận vốn vay vẫn là một trong những khó khăn lớn với DN XK, nhất là DN nhỏ và vừa. Để đạt mục tiêu XK năm 2012, 9 tháng còn lại sẽ đảm bảo 84 tỷ USD, nghĩa là mỗi tháng phải giữ được nhịp như tháng 3 này. Trong bối cảnh DN khó tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa thì kết quả XK đạt mức khá cao thật sự là sự bù đắp đầy ý nghĩa, kịp thời góp phần điều chỉnh độ sáng của bức tranh kinh tế.

 

Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực vượt khó, tăng sản lượng hàng xuất khẩu. Ảnh: Cao Thăng

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, như lệ thường quý này có nhiều ngày “ăn chơi, hội hè”, nhưng XK vẫn tăng đều qua từng tháng, từ 7 tỷ qua 8 tỷ tới 9 tỷ USD. XK tăng cao hơn nhập khẩu (NK), nhập siêu chỉ có 251 triệu USD, tỷ lệ 1,02% (cùng kỳ năm 2011 là 3,3 tỷ USD, tỷ lệ 16,84%). Với sự vượt lên của tháng 3, kim ngạch XK quý 1-2012 đạt 24,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với quý 1-2011. Đó là sự khởi động đáng kỳ vọng.

Tuy nhiên, cần phân tích và lưu ý về 2 vấn đề đáng quan tâm là: Mức tham gia vào XK của khối DN trong nước đang chững lại, chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng kim ngạch XK, bộc lộ sự hạn chế về năng lực sản xuất cũng như khả năng mở rộng XK. Qua đó cũng có thể nhận định, sức cạnh tranh của DN nội chưa được cải thiện như mong muốn. Tiếp theo là, kim ngạch XK quý 1 tăng cao chủ yếu do đơn giá XK bình quân của một số mặt hàng tăng mạnh. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, kim ngạch XK quý 1 năm nay chỉ tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, hàng của ta đang được hưởng lợi từ yếu tố “thiên thời” là tăng giá. Cũng nhờ XK tăng cao nên nhập siêu được kiểm soát tốt, với mức 251 triệu USD - mức nhập siêu thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây. Song, cũng có chuyên gia cảnh báo rằng, không nên quá mừng khi mức nhập siêu giảm mạnh bởi đó có thể là biểu hiện phản ánh thực tế giảm sút trong hoạt động sản xuất của cộng đồng DN thông qua sự giảm mức tiêu thụ đối với hầu hết các loại nguyên, vật liệu nhập khẩu. Mặt khác, cũng rất khó dự báo về diễn biến cung - cầu của các loại hàng XK của ta trên thị trường quốc tế, nhất là trong thời kỳ khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và các đối tác nhập khẩu truyền thống nên sự may mắn vì được giá nói trên chưa hẳn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới…

Để giúp DN tháo gỡ khó khăn, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có các động thái tích cực như: kiến nghị giãn thuế thu nhập cho DN, triển khai thí điểm đề án bảo hiểm tín dụng XK. Bộ Công thương cũng khuyến nghị các DN nên tích cực tự đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới để nâng cao kim ngạch hàng hóa XK trong năm 2012.

Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực hết mình vượt khó để phát triển sản xuất. Ảnh: Cao Thăng

Tới đây Bộ Công thương sẽ chỉ đạo các DN chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, giảm các loại chi phí không cần thiết cũng như tăng cường hiệu quả công tác quản lý. Bộ Công thương cũng tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn nạn buôn lậu và hàng giả để bảo vệ DN chân chính và cân đối quan hệ cung - cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu... Các chuyên gia nhận định, hoạt động công, thương trong thời gian tới sẽ chưa thể sáng sủa nhanh như mong muốn bởi phần lớn khó khăn, bất lợi đối với DN hầu như còn đang phát tác, tiếp tục gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Sau đó, trong buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Võ Văn Quyền dự đoán, tháng 4 cũng có những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm như: giá gas giảm sâu sau khi tăng mạnh; thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; sức cầu vẫn yếu;… Nếu không có yếu tố bất ổn về thị trường và cung cầu giá cả, CPI tháng 4 không có yếu tố để tăng đột biến mà chỉ tăng nhẹ.

Về vấn đề thủy điện Sông Tranh gây lo ngại dư luận gần đây về sự an toàn, đại diện Vụ Năng lượng cho biết, sau những chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, các biện pháp khắc phục đang được tiến hành. Các giải pháp khắc phục sẽ xong trước mùa lũ 31-7 năm nay. 

Nguồn Báo SGGP Online