Dự án cạnh tranh nông nghiệp: Tổ hợp tác nuôi cừu xã Xuân Hải qua 2 năm hoạt động

Cuối tháng 3/2010, với sự giúp đỡ của Ban quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn), Liên minh nuôi cừu Huỳnh Thiên đã tổ chức lễ ra mắt. Đây là hình thức thức liên minh đầu tiên trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc ở tỉnh ta với quy mô lớn, có ý nghĩa như mô hình thí điểm nên được đặt nhiều kỳ vọng. Đến nay, sau 2 năm tròn hoạt động, Liên minh nuôi cừu Huỳnh Thiên có đạt được mục tiêu đề ra hay không?

(NTO) Ngay từ đầu thành lập, Liên minh nuôi cừu Huỳnh Thiên được xác định là sự hợp tác tự nguyện giữa doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Thiên với tổ hợp tác nuôi cừu xã Xuân Hải (Ninh Hải) do ông Nguyễn Thanh Thoại, chủ doanh nghiệp làm Giám đốc. Tổ hợp tác nuôi cừu gồm 52 hộ làm nghề chăn nuôi, tuy gọi tên như vậy, nhưng ngoài các hộ nuôi cừu tập trung chủ yếu ở thôn An Hòa (Xuân Hải), thực chất còn có các hộ nuôi cừu rải rác khắp nơi trong tỉnh.

 Nông dân thôn An Hòa (xã Xuân Hải) chăm sóc cừu theo quy trình kỹ thuật do tổ hợp tác hướng dẫn

Liên minh có tổng kinh phí đầu tư gần 8,7 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nông dân và doanh nghiệp gần 6,4 tỷ đồng và vốn hỗ trợ từ dự án là 2,3 tỷ đồng cho các thành viên trong tổ mua cừu giống, tu sửa chuồng trại, mua thức ăn, vật tư chăn nuôi và thuốc thú y. Ngoài ra dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh còn hỗ trợ cho người nuôi cừu về các kiến thức mới trong chăn nuôi thông qua chương trình đào tạo kỹ thuật và khuyến nông. Dự kiến sau 2 năm đầu liên minh, doanh thu của doanh nghiệp sẽ tăng gấp 3 lần, toàn Liên minh đạt tỷ suất lợi nhuận thuần 59%. Tuy nhiên chỉ mới nửa thời gian hoạt động, do chủ doanh nghiệp gặp sự cố, thiếu vốn đầu tư nên hình thức liên minh gần như chỉ tồn tại trên danh nghĩa, tổ hợp tác nuôi cừu phải tự tìm đầu ra, bán sản phẩm của mình cho các doanh nghiệp khác.

Anh Phan Đình Bảy, Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi cừu xã Xuân Hải cho biết: “Sự suy yếu về năng lực tài chính khiến doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Thiên chỉ thu mua cầm chừng, buộc các thành viên trong tổ phải bán cừu thịt xuất chuồng cho các cơ sở giết mổ khác. Điều này là bình thường, vì theo thỏa thuận trong Liên minh, việc bán sản phẩm cho ai là quyền quyết định của tổ hợp tác”. Dù vai trò của doanh nghiệp trong Liên minh không còn ý nghĩa nhưng tác dụng từ mô hình hợp tác đã được chứng nghiệm. Theo định kỳ, cứ 3 tháng tổ họp mặt sinh hoạt thông tin về tình hình cừu nuôi, lượng thịt bán và trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đàn cừu. Trong tổ có một số “danh sư” như ông Đạo Thanh Nhung, Dương Đình Thế đã nhiệt tình “truyền nghề” cho các hộ nuôi thành viên. Trong 2 năm, tổ đã chủ động mở 3 lớp tập huấn, mời giảng viên về hướng dẫn, giúp người nuôi cừu biết áp dụng công nghệ và phương thức làm ăn mới. Qua hợp tác, các hộ nuôi trong tổ có có tiếng nói chung để bảo vệ quyền lợi của mình, không còn sợ bị chèn ép giá. Chị Lê Thị Út Em ở thôn An Hòa, thành viên của tổ, chỉ nhờ vào đàn cừu 80 con mà nuôi được 2 con học đại học, cao đẳng. Bà Lê Thị Én, người cùng thôn và cũng là thành viên của tổ, có đàn cừu 120 con bộc bạch: “Từ đầu năm đến nay, tôi đã xuất bán 30 con, bình quân người nuôi từ 100 con trở lên có số cừu thịt xuất chuồng mỗi năm có thể thu lãi khoảng 60-100 triệu đồng”.

Nông dân xã Nhơn Sơn chăn nuôi cừu trên đồng cỏ tự nhiên ở địa phương

Hiệu quả mang lại từ mô hình hợp tác thấy rõ, song theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều mục tiêu đặt ra trước đây của Liên minh đã không đạt được. Nhìn ở lĩnh vực nuôi cừu, dễ thấy trước hết là độ đồng đều về kích cỡ cừu hơi, theo lẽ trọng lượng cừu hơi xuất chuồng phải tăng từ 25 kg/con lên 30 kg/con nhưng trong thực tế cừu của tổ hợp tác mới đạt 20 kg/con hoặc hơn chút đỉnh. Thế nên dự kiến sau khi tham gia liên minh, giá bán cừu hơi của nông dân sẽ tăng 21% và giá bán thịt cừu của doanh nghiệp sẽ theo đó tăng 9% đã không thành sự thật. Không có doanh nghiệp mạnh trong Liên minh, việc xây dựng thương hiệu cừu Ninh Thuận cũng không triển khai được, dẫn đến khả năng cạnh tranh, tiếp cận thị trường của người nuôi cừu không cao.

Theo anh Phan Đình Bảy, sự “đánh mất mình” của doanh nghiệp tư nhân Huỳnh Thiên dù làm Liên minh không đạt được mục tiêu dự kiến, nhưng bù lại mô hình hợp tác 2 năm qua đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho nghề nuôi cừu. Hiện nay, tuy thời hạn hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đã kết thúc, nhưng 52 hộ nuôi cừu vẫn đồng thuận duy trì tổ hợp tác, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được nhằm tạo ra bước phát triển mới trong chăn nuôi, mổ thịt, giới thiệu và tạo thói quen sử dụng cho người tiêu dùng, tiến tới mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới./.