Mở hướng tương lai từ tuyến đường ven biển Bình Tiên - Cà Ná

(NTO) Tuyến đường ven biển (TĐVB) Bình Tiên-Cà Ná là tuyến đường “huyết mạch” quan trọng tạo động lực để KT-XH tỉnh nhà tăng trưởng nhanh, bền vững. Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án gần 5.000 tỷ đồng, gồm 8 hợp phần do 16 nhà thầu đảm nhận thi công. Công trình chính thức được khởi công ngày 17- 10- 2009, tại gói thầu cầu Ninh Chữ. Dự kiến năm 2013 hoàn thành đưa vào sử dụng.

Mở đường phát triển

Đường về Vĩnh Hy-Bình Tiên ngoằn ngoèo, khúc khuỷ, bên là núi rừng, bên là biển, cảnh đẹp như một bức tranh thủy mặc. Gói thầu TĐVB Bình Tiên-Vĩnh Hy đang trong giai đoạn thi công nước rút.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm tuyến đường ven biển Ninh Thuận, tháng 12-2011. Ảnh: Văn Miên

Vịnh Vĩnh Hy mở ra trước mắt chúng tôi một khung cảnh rộng lớn với nước biển chuyển màu dần dần từ gần đến xa. Càng ra xa, vịnh càng đẹp bởi nước biển mênh mông, xanh biếc đến nỗi có những nơi đường chân trời như bị xóa mờ. Con đường càng lên dốc cao, nhìn xuống đại dương bao la bên dưới, càng cảm nhận được sự hùng vĩ, vẻ tráng lệ của thiên nhiên nơi đây. Anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân Công ty Xây dựng Lưỡng Bằng đang thi công tuyến đường, cho biết: “Từ ngày tuyến đường Bình Tiên-Vĩnh Hy thông xe qua được, rất đông du khách trong và ngoài nước “chinh phục” con đường này bằng các loại xe. Tại đây, nhiều du khách cắm trại, dừng chân để ngắm Vườn quốc gia Núi Chúa, đứng trên cao ngắm mặt trời mọc và biển Vĩnh Hy”.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo với đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị,
Phó Chủ tịch Quốc hội về tiến độ thi công tuyến đường ven biển, tháng 2-2012.

Anh Trương Trọng Nghĩa, Công ty Cổ phần Nam Núi Chúa cho biết: “Đầu tư xây dựng TĐVB là một chủ trương đúng đắn của tỉnh Ninh Thuận. Tuyến đường có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là du lịch biển, sinh thái. Bờ biển Ninh Thuận dài, đẹp, rừng núi, đồi cát bao quanh tạo nên những thắng cảnh độc đáo, thu hút du khách. Khi TĐVB hoàn thành, sẽ kết nối với các tuor du lịch trọng điểm như Bình Thuận, Khánh Hòa… trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư và du khách”. Để minh chứng với chúng tôi, anh Nghĩa đã giới thiệu sơ bộ về Khu du lịch sinh thái cao cấp Vĩnh Hy của Công ty Cổ phần Nam Núi Chúa được khởi công ngay sau TĐVB được khởi động. Dự án được khởi công tháng 7-2010, với tổng kinh phí 25 triệu USD, trong giai đoạn I đầu tư 12 triệu USD. Khu du lịch đạt chuẩn trên 5 sao đầu tiên của tỉnh. Dự kiến cuối quý 3/2012 sẽ đưa vào sử dụng.

Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra việc thi công tuyến Mũi Dinh- Cà Ná tại khu vực Mũi Sừng
thuộc thôn Thương Diêm, xã Phước Diêm. Ảnh: Sơn Ngọc

 

Tiềm năng được đánh thức

Chỉ riêng lĩnh vực du lịch, bờ biển Ninh Thuận là sự nối dài của các vũng, vịnh của bờ biển cực Nam Trung Bộ từ vịnh Nha Trang, vịnh Cam Ranh đến tỉnh Bình Thuận, với các bãi biển tuyệt đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng như Bình Tiên, Vĩnh Hy, Ninh Chữ, Phú Thọ, Mũi Dinh… Khi tỉnh ta tiến hành quy hoạch lại tổng thể đất ven bờ biển và mạnh dạn đầu tư, mở rộng tuyến đường chiến lược ven biển, nhằm khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế biển của địa phương, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp khi đến đầu tư tại đây đều rất hoan nghênh và đồng tình.

Tuyến đường ven biển phục vụ khai thác tiềm năng du lịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lê Pháp

Dự kiến, tổng quỹ đất sẽ được “đánh thức” sau khi TĐVB được hoàn thành là trên 8.700 ha. Từ đất hoang hóa, sa mạc ven biển trở thành đất kinh tế đã là một “lợi nhuận” rất lớn. Khi đã có quỹ đất, góp phần đẩy nhanh việc hình thành các khu du lịch biển và phát triển các khu đô thị, khu dân cư mới. Căn cứ vào đặc điểm địa lý và thế mạnh của từng vùng, dựa trên TĐVB, các địa phương ven biển sẽ quy hoạch phát triển những mô hình đô thị phù hợp. Như mô hình khu đô thị du lịch sinh thái hướng biển; đô thị sinh thái; khu du lịch sinh thái; đô thị lấn biển và đô thị sinh thái biển đảo. Tiến sĩ Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hồ hởi: “TĐVB đã đánh thức những tiềm năng du lịch của tỉnh. Nếu như trước đây kêu gọi đầu tư du lịch biển, tỉnh mình phải “trải thảm” chào đón nhà đầu tư; ngược lại từ khi TĐVB được khởi công, tỉnh ta có quyền “lựa chọn” nhà đầu tư. Trong khi đó, đồng chí Võ Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam cho biết: “TĐVB mở ra nhiều cơ hội lớn cho các huyện ven biển của tỉnh như Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải trong quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, sắp xếp lại khu dân cư, đất sản xuất-sinh hoạt”. Đúng vậy, nằm song song với quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất, TĐVB sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch hệ thống giao thông bàn cờ, mở hệ thống đường ngang phục vụ giao thương, phát triển kinh tế, sắp xếp, bố trí quy hoạch lại khu dân cư, đô thị mới của các huyện ven biển, khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Tiến cho biết thêm: từ khi dự án TĐVB được khởi công, xây dựng, hàng chục nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tìm đến huyện để tìm hiểu đầu tư các lĩnh vực về du lịch biển, cảng biển, điện gió-mặt trời… Hiện nay, huyện cũng đang đẩy nhanh quy hoạch, đầu tư xây dựng các tuyến đường liên xã nối liền tuyến quốc lộ 1A với TĐVB, hình thành các khu dân cư, vùng đất sản xuất, sinh hoạt mới.

Kết nối giao thương

Theo đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: “Mục tiêu chính của việc xây dựng TĐVB trên là nhằm tổ chức, sắp xếp lại các vùng định cư cho người dân sống ven biển, phòng tránh thiên tai, sử dụng hiệu quả quỹ đất ven biển, góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương và khu vực Nam Trung bộ. Bên cạnh đó, là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án đầu tư có quy mô lớn như cảng biển, du lịch biển, công nghiệp muối, tàu thủy, điện gió, điện mặt trời…, và đặc biệt là phục vụ cho việc xây dựng và khai thác, sử dụng hai Nhà máy Điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận”.

Thi công xây dựng tuyến đường ven biển Bình Tiên - Vĩnh Hy phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển địa phương.

Với chiều dài 116 cây số, có thể nói, việc đầu tư triển khai thi công TĐVB có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng, an ninh của tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung. Đây là tuyến đường bộ đi sát biển, nối liền các đô thị ven biển, các khu kinh tế ven biển thành một dải, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển KT-XH của các địa phương có biển. TĐVB được đầu tư xây dựng, khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo cho các dự án, các ngành công nghiệp dọc trên tuyến biển của tỉnh nhà được triển khai. Đó là 2 dự án trọng điểm năng lượng của quốc gia: Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Hệ thống các cảng vận chuyển hàng hóa Ninh Chữ, Dốc Hầm-Cà Ná; các dự án du lịch biển của tỉnh: Bình Tiên-Vĩnh Hy-Ninh Chữ-Nam Cương-Mũi Dinh-Cà Ná; kết nối du lịch 2 vùng trọng điểm Bình Thuận và Khánh Hòa. Tháng 12-2009, Sân bay Cam Ranh đã trở thành cảng hàng không quốc tế. Để tiếp tục hưởng lợi từ mối liên kết này, tỉnh đã triển khai dự án nâng cấp đường quốc lộ kết nối từ Sân bay Cam Ranh đến Phan Rang-Tháp Chàm, khi đó du khách đến Ninh Thuận với nhiều phương tiện được lựa chọn, rất thuận tiện và hấp dẫn bằng hai hướng đi từ sân bay Cam Ranh qua tuyến quốc lộ 1A hoặc bằng TĐVB, đường thủy. Về lâu dài khi tuyến đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang hoàn thành, giúp Ninh Thuận tiếp tục kết nối tốt hơn với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Trung, với các thị trường lớn trong cả nước. TĐVB còn là một mắt xích quan trọng nối liền tuyến quốc lộ ven biển trong tương lai của cả nước.

 

 Mai này con đường Bình Tiên- Cà Ná hoàn thành, vùng biển Ninh Thuận sẽ thay đổi diện mạo, khơi dậy tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, nghề cá... Những khu du lịch như Bình Tiên-Vĩnh Hy, Hòn Đỏ, Ninh Chữ, Nam Cương, Mũi Dinh, Cà Ná lâu nay được ví như nàng tiên ngủ quên sẽ được đánh thức. Du khách đến vùng biển Ninh Thuận sẽ nhìn thấy những khu du lịch, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, ngắm nhìn phong cảnh hữu tình mà không phải ở nơi nào cũng có.