(NTO) Từ trung tâm huyện Thuận Bắc chạy ra Cây Da, tuyến quốc lộ 1A ngày nào chằng chịt, đầy rẫy những dây thép gai, lô cốt, hố bom… những tàn tích của chiến tranh giờ đây đã không còn nữa. Thay vào đó, những cánh đồng lúa, mía… xanh tươi, trải dài bát ngát. Những đàn trâu, bò, dê, cừu đang gặm cỏ. Những ngôi nhà tranh, vách đất, hoang tàn đổ phế trong chiến tranh đã được thay bằng những ngôi nhà xây vững chãi, ngói đỏ, rực rỡ dưới ánh mặt trời. Du Long đổi thay, phát triển nhanh chóng đến lạ kỳ!
Nhà máy chế biến xi măng Luks được xây dựng trên địa bàn xã Công Hải
Hệ thống kênh mương đầu tư xây dựng phát huy hiệu quả tưới của hồ Sông Trâu
giúp nông dân Công Hải đầu tư phát triển sản xuất nâng cao đời sống nông thôn.
Phát huy hiệu quả tưới hệ thống thủy lợi Sông Trâu, nông dân Công Hải thâm canh
lúa nước đạt năng suất trên 60 tạ/ha. Ảnh: Văn Miên
Trong căn phòng Hội CCB xã Công Hải, ông Lê Đức Ánh, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Công Hải – vốn là dân “gốc” ở đây cho biết, nơi đây ngày đó có tên gọi là xã Cam Thọ với dân số chưa đầy 2.000 người. Trong xã chỉ có từ 5 đến 10 hộ có đất sản xuất, còn lại làm thuê, cuốc mướn. Trẻ em đa số thất học, học sinh đậu tú tài 1 (lớp 11) tìm đỏ mắt cả làng không thấy. Quanh xã, nhất là khi tuyến “tử thủ” được thiết lập, chỉ toàn kẽm gai, lô cốt, xe pháo, súng ống, tiếng bom, đạn nổ ầm vang suốt ngày. Cuộc sống người dân lầm than, khổ cực vô cùng. Tháng 4-1975, quê hương giải phóng. Năm 1977, ông tham gia vào du kích, công an xã. Năm 1982 đi chiến trường K, xuất ngũ trở về địa phương công tác, tham gia Hội CCB xã. Theo ông, cuộc sống người dân Công Hải bây giờ đã đổi thay toàn diện, người dân có đất sản xuất, trẻ em được đến trường. Bây giờ, trong xã chuyện học đến “tú tài” là bình thường, mà phải nói chuyện học đại học, cao học... Còn ông Ka Bưu Canh, Trưởng thôn Suối Vang, cho biết thêm, trước đây, thôn mình nghèo lắm, đời sống khổ cực vô cùng, người dân sống ở rừng rẫy. Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bây giờ thôn mình đổi mới hoàn toàn rồi. Nhờ có thủy lợi, bà con đã biết sản xuất lúa nước. Trẻ em được đến trường. Từ các Chương trình 134, 135, 167, đến nay toàn bộ hộ nghèo, khó khăn được xây dựng nhà ở”.
Nông dân thôn Suối Giếng (Công Hải, Thuận Bắc) ứng dụng cơ giới hóa đồng ruộng.
Đồng chí Nguyễn Văn Long, Phó Bí thư Đảng ủy xã Công Hải, cho biết thêm, toàn xã có gần 8.000 khẩu sinh sống trên 7 thôn. Nhờ đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, vốn vay sản xuất, nên đời sống của nhân dân trên địa bàn ngày càng khởi sắc. Hầu hết các mục tiêu về giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội... đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn 8,07%. Đặc biệt xã Công Hải đất đai rộng lại nằm vị trí địa lý thuận lợi, đang thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư. Các doanh nghiệp lớn của tỉnh, huyện đều tập trung đóng trên địa bàn xã. Trong đó, phải kể đến dự án lớn như: Khu du lịch cao cấp Bình Tiên; Xi măng Luks Ninh Thuận; Nhà máy đá Granite Thuận Thành… với tổng số vốn lên đến 2.000 tỷ đồng đã đi vào hoạt động tạo cơ hội cho cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội, góp phần chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại…
Nhà nước đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi nâng cao đời sống nhân dân xã Công Hải. Ảnh: Sơn Ngọc
37 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Công Hải đang từng bước xây dựng mô hình nông thôn mới. Mặc dù mới được huyện Thuận Bắc chọn là xã điểm triển khai xây dựng trong năm nay, nhưng qua khảo sát xã đã đạt 50% tiêu chí xây dựng nông thôn mới. “Để đưa đời sống nhân dân ngày càng phát triển, trong những năm tới, Công Hải sẽ khuyến khích phát triển theo hướng nông- công-tiểu thủ công nghiệp-du lịch-dịch vụ; tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Xã sẽ tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, đồng chí Nguyễn Văn Long, Phó Bí thư Đảng ủy xã Công Hải khẳng định.
Xuân Bính