Phước Hậu trên đường xây dựng Nông thôn mới

(NTO) Sau 20 năm từ ngày tái lập tỉnh nói riêng và 37 năm tỉnh nhà giải phóng nói chung, với những chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội, Phước Hậu đã cho bài học kinh nghiệm quý báu về sự đổi mới của nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đến Phước Hậu hôm nay, chúng ta không chỉ nhìn thấy những công trình xây mới khang trang, bề thế như hệ thống nước sinh hoạt, bưu điện văn hóa xã, trụ sở ban quản lý các thôn, trường học và chợ thôn, mà ấn tượng hơn cả chính là kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn chỉnh.

Những ngày cuối tháng 3, đi trên con đường nội đồng từ Hiếu Lễ qua Trường Thọ, Trường Sanh với chiều dài 1,7 km vừa hoàn thành, chúng tôi cảm nhận được ý nghĩa mang lại của công trình này. Trước đó không lâu, người dân địa phương rất vui mừng khi Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đầu tư làm con đường giao thông cấp 4 dài gần 3,9 km từ giao điểm quốc lộ 1A thuộc thôn Bình Quý (Phước Dân) về đến đầu thôn Trường Sanh, nơi giáp với tỉnh lộ 703. Ông Nguyễn Văn Cung, cư dân thôn Trường Sanh cảm động kể lại: “Tuyến đường Bình Quý-Trường Sanh như cửa ngõ mở ra quốc lộ 1A của Phước Hậu, nay có thêm con đường nội đồng này tôi không biết phải diễn tả sao cho hết niềm vui của người dân”.

Nhịp sống mới trên vùng nông thôn mới Phước Hậu. Ảnh: Văn Miên

Mỗi dịp về lại miền quê Phước Hậu, chúng tôi luôn có cảm giác sảng khoái khi đi trên những con đường lồng lộng hương đồng, gió nội. Nếu 20 năm về trước, xuyên qua xã Phước Hậu ngày ấy là tuyến đường cấp phối sỏi đỏ bốc bụi mù thì bây giờ được trải lên lớp bê-tông nhựa dày, con đường đã nhộn nhịp người, xe qua lại hơn mà vẫn thoáng đãng, sạch sẽ. Ngoài trục đường chính dài 11 km được Nhà nước quan tâm đầu tư nhựa hóa đi qua 4 thôn, Phước Hậu còn vận động nhân dân thực hiện bê-tông hóa đường giao thông nội thôn khắp 7 thôn trong xã.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu xác nhận: “Kể từ lúc tái lập tỉnh đến nay, chính hệ thống đường giao thông nông thôn là hình ảnh đổi mới dễ nhận ra đầu tiên của Phước Hậu. Từ đường giao thông kiên cố hóa, Phước Hậu đã đi đầu trong nhiều lĩnh vực canh tác mà nổi bật là việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp”. Theo thống kê của UBND xã Phước Hậu, hiện toàn xã có 114 máy cày lớn nhỏ các loại, 22 chiếc máy gặt đập liên hợp và 6 xe tải nhỏ chuyên vận chuyển nông sản. Nhiều nông dân ở thôn Hiếu Lễ cho rằng, nhờ cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch đã nâng năng suất lúa lên gần 60 tạ/ha, hạn chế được sâu bệnh và tiết kiệm đáng kể chi phí.

Trung tâm Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố thí nghiệm các giống lúa mới tại thôn Hoài Nhơn, xã Phước Hậu
 Ảnh: Duy Anh

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất bằng các mô hình mới đã phát huy tiềm năng của các cánh đồng lúa, đặc biệt mô hình liên kết sản xuất lúa giống với diện tích khoảng 200 ha, đã giúp nông dân tăng thu nhập gấp 1,8 lần so với lúa thương phẩm. Riêng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa với phương thức gieo sạ hàng đã giúp nông dân Phước Hậu tăng lợi nhuận hơn 15 triệu đồng/ha. Những năm gần đây, cây táo được coi là cây trồng rất thích hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở Phước Hậu được nông dân trồng với diện tích 70 ha. Ông Bùi Văn Bảy ở thôn Trường Thọ, cho biết: “Thu nhập 1 sào táo còn hơn 1 ha lúa 3 vụ, đặc biệt táo Phước Hậu thơm ngon hơn hẳn các nơi khác nên bán rất được giá”. Để khai thác thế mạnh này, Phước Hậu chủ trương đầu tư công nghệ sản xuất sạch, tiến tới xây dựng thương hiệu táo địa phương. Trong chăn nuôi, Phước Hậu cũng đã xuất hiện phương thức làm ăn mới với việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, hình thành liên minh sản xuất giống dê lai Bachboer Phước Hậu và đang hướng tới tạo dựng thương hiệu cho giống dê lai siêu thịt này.

Nông dân xã Phước Hậu đầu tư thăm canh cây lúa đạt năng suất trên 70 tạ/ha.  Ảnh Sơn Ngọc

Bứt phá từ nông nghiệp trong 20 năm qua đã thúc đẩy kinh tế-xã hội Phước Hậu phát triển mạnh. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân có bước cải thiện thấy rõ, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hàng năm, hiện cả xã có 100% hộ sử dụng điện lưới quốc gia, 99% hộ có phương tiện xe máy, nghe nhìn và trên 85% gia đình có nhà xây kiên cố. Trong câu chuyện kể của các cán bộ xã, điều gây chú ý với chúng tôi hơn cả chính là sự đồng thuận của người dân. Từ việc nhường đất cho các đơn vị thi công làm đường giao thông nội đồng; đóng góp xây dựng chợ Hoài Nhơn - Chất Thường; tu sửa nhà sinh hoạt cộng đồng thôn; cho đến việc đóng góp tu sửa đình làng thôn Trường Thọ và đóng góp xây cổng làng văn hóa Trường Thọ, Trường Sanh, Phước Đồng đều có sự tự nguyện của người dân sau khi đã dân chủ thảo luận và thống nhất ý kiến. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Đức, nếu nói đến kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua, ngoài bài học về sự lồng ghép, tranh thủ các dự án đầu tư, quan trọng hơn cả chính là bài học về công tác dân vận “khéo” tạo ra sự đồng thuận của người dân.

Chợ Hoài Nhơn- Chất Thường có kinh phí gần 400 triệu đồng do người dân xây dựng
thu hút đông đảo tiểu thương kinh doanh, buôn bán.Ảnh: V.Miên

Dù qua kết quả khảo sát, Phước Hậu chỉ mới đạt 5 tiêu chí so với 19 tiêu chí nông thôn mới, song vẫn được coi là xã có điều kiện thuận lợi trong xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Võ Thành Đảo, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Hậu lý giải: “Các tiêu chí còn lại chưa thực sự bền vững mà còn phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện mới có thể đạt như yêu cầu. Tuy nhiên từ bài học về sự đồng thuận của người dân, Phước Hậu đang mạnh dạn triển khai nhiều dự án lớn, trong đó điểm nhấn là tiến hành quy hoạch trung tâm hành chính xã gắn với khu dân cư theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi tin rằng với tinh thần tự nguyện vì lợi ích cộng đồng, vai trò chủ thể của người dân sẽ được phát huy trong tiến trình xây dựng nông thôn mới”.