(NTO) Khu vực nông nghiệp, nông thôn vốn dĩ là thị trường tín dụng nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng “dám chơi” ở sân chơi này. Với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), mang trên mình trách nhiệm hàng đầu của thị trường tài chính nông thôn, 20 năm qua, chương trình tín dụng nông thôn đã đóng góp nhiều cho những bước tiến của kinh tế tỉnh nhà.
Hoạt động tín dụng nông thôn của Agribank - chi nhánh Ninh Thuận trong 2 thập kỷ qua đã có nhiều thành tựu đáng kể. Còn nhớ những ngày tỉnh mới tái lập, hoạt động của Agribank gặp không ít khó khăn, để tồn tại và phát triển, đơn vị đã chuyển hướng vào hoạt động cho vay kinh tế hộ gia đình, chỉ duy trì quan hệ tín dụng với số ít doanh nghiệp và hợp tác xã làm ăn có hiệu quả, đồng thời mở rộng thị phần tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với khách hàng chủ yếu là hộ sản xuất, tư nhân, cá thể. Sang năm 1993, Nghị định 14/NĐ-CP của Chính phủ cùng Thông tư số 01 của NH Nông nghiệp Việt Nam về “Biện pháp nghiệp vụ cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển kinh tế nông-lâm-ngư-diêm nghiệp và kinh tế nông thôn” như cánh cửa mở cho bước đi của hoạt động tín dụng nông nghiệp sau này. Đầu tư tín dụng cho kinh tế hộ được nâng lên về cả khối lượng vốn, số lượng khách hàng, đổi mới về quy trình nghiệp vụ và phương pháp giải ngân. Mô hình cho hộ sản xuất vay thông qua Tổ vay vốn do các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,… thực hiện với phương pháp giải ngân trực tiếp. Tính đến cuối năm 1996, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt hơn 130 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 1992, trong đó dư nợ kinh tế hộ chiếm 88% với hơn 29.500 hộ tham gia vay.
Qua các năm, tốc độ tăng trưởng của tín dụng nông thôn luôn đạt những bước phát triển đáng ghi nhận nhờ chính sách điều hành mới từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng như các chính sách, luật tín dụng. Agribank đã luôn đồng hành cùng nông dân và linh hoạt trong chính sách tín dụng đối với khu vực được xem là khá “rủi ro” này. Nhiều người vẫn còn nhớ những thiệt hại nặng nề của trận lũ năm 1998, hậu quả của nó đã làm cho 14.271 hộ sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có hơn 60% hộ có quan hệ tín dụng với Agribank. Trước tình hình đó, Agribank đã khoanh nợ với tổng số tiền gần 70 tỷ đồng (tiền nợ gốc là gần 60 tỷ đồng).
Với mục tiêu tổng quát trong thời gian này là bằng mọi nỗ lực, hoạt động của Agribank phải thể hiện vai trò chủ đạo và chủ lực trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Agribank đã không ngừng tạo được vị thế với mạng lưới rộng khắp, thuận tiện và đầy tiềm lực về nguồn vốn để chiếm lĩnh thị phần nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, đến cuối năm 1999, tổng dư nợ của đơn vị đạt 251 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho nông nghiệp là 211 tỷ đồng, chiếm 93%. Tốc độ tăng trưởng khá cùng với số dư nợ tăng trưởng trong năm này cũng đã bù đắp được số dư nợ khoanh do hậu quả lũ lụt năm 1998.
Bước vào thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, từ năm 2006-2010, chương trình tín dụng nông thôn của Agribank tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ. Với mọi nỗ lực vượt qua khó khăn của kinh tế thế giới cũng như trong nước, Agribank vẫn giữ thế chủ đạo trong việc cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Vẫn giữ đối tượng khách hàng truyền thống là hộ sản xuất, các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, Agribank tập trung khai thác có hiệu quả các chương trình như: sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; hỗ trợ vốn vay cho công nghiệp và phát triển làng nghề truyền thống; vốn vay cho xây dựng nhà ở và kết cấu hạ tầng nông thôn; vốn vay xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa…
Đặc biệt, từ khi có Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 của Chính phủ về “Chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn”, với Thông tư hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước, giờ đây các hộ nông dân trong cả nước có thể vay ngân hàng đến 50 triệu đồng mà không cần tài sản thế chấp. Còn các hợp tác xã, chủ trang trại có thể vay tối đa lên đến 500 triệu đồng. Kênh tín dụng đối với khu vực nông thôn đã mở rộng hơn. Đều đặn qua các năm, tỷ trọng dư nợ đối với khu vực này trong tổng dư nợ của Agribank luôn chiếm hơn 70%. Và hiệu quả của những đồng vốn ấy luôn được thể hiện qua bước khởi sắc của ngành Nông nghiệp tỉnh ta, nhiều nông dân đã thoát được cảnh “khát vốn”, có đất, có sức mà đành chịu cảnh “lực bất tòng tâm” khi không có tiền đầu tư.
Đầu tư vốn cho nông nghiệp không còn là “sân chơi mạo hiểm” của riêng Agribank, cho đến nay, nhiều ngân hàng thương mại Nhà nước và tư nhân đều đã “vào cuộc”, chính điều đó tạo nên một sự cạnh tranh trong việc chiếm vị trí trong thị phần này. Dù gì thì điều này cũng cho thấy khu vực nông thôn đang là đích nhắm của nhiều nguồn đầu tư và người hưởng lợi ở đây chính là nông dân.
Hai thập kỷ trôi qua, với không ít những thăng trầm, vượt qua khó khăn, thử thách, nắm lấy cơ hội, kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh mẽ và “công sức” của những đồng vốn tín dụng nông nghiệp Agribank là điều không ai có thể chối cãi.
Hồng Nhạn