Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu trong buổi làm việc. Ảnh: Chinhphu.vn
Công cụ thực hiện các chính sách an sinh xã hội
Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 9 năm hoạt động, NHCSXH đã tập trung nguồn lực khá lớn để cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách. Tính đến cuối năm 2011, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH đạt 105.490 tỷ đồng, gấp 13 lần so với đầu năm 2003, tăng bình quân 34%/năm. Tổng doanh số cho vay trong 9 năm đạt 178.000 tỷ đồng, góp phần đáng kể trong việc tạo lập nguồn vốn cho vay quay vòng các chương trình tín dụng. Dư nợ tín dụng tập trung vào các chương trình lớn là cho vay hộ nghèo (chiếm 37% tổng dư nợ); cho vay học sinh sinh viên (32,2%); cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (8,2%); cho vay giải quyết việc làm (5%), cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở (3,2%).
Qua 9 năm hoạt động, NHCSXH đã giải ngân cho trên 14,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách, bình quân một người (hộ) vay vốn từ 2,5 triệu đồng (năm 2003) lên 14,9 triệu đồng năm 2011.
Nguồn vốn này đã góp phần giúp gần 2,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động; giúp 2,8 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 3,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 103 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trên 419 nghìn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 94 ngàn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động. Để đáp ứng những yêu cầu công việc mang tính đặc thù, vừa mang tính chuyên môn cao, vừa mang tính xã hội rộng rãi, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của NHCSXH cũng luôn được hoàn thiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Những kết quả trong hoạt động nêu trên đã thể hiện NHCSXH là một trong những công cụ hiệu quả để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chính sách của Chính phủ trong đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, cũng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong định hướng phát triển NHCSXH.
Thống đốc NHNN, kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHCSXH Nguyễn Văn Bình cho rằng bản chất trong hoạt động của NHCSXH thể hiện ở chỗ, không phải là mang tiền cấp phát mà thông qua cơ chế tiền tệ ưu đãi để người nghèo có vốn làm ăn thoát nghèo.
Còn Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Phạm Văn Phượng, thành viên Hội đồng Quản trị NHCSXH cho rằng đánh giá kết quả hoạt động của ngân hàng không chỉ dựa trên thành tích huy động, giải ngân, quản lý đồng vốn, mà quan trọng nhất là việc NHCSXH thông qua hoạt động của mình trở thành công cụ đắc lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ, đưa những chính sách này đến với người nghèo.
Xem xét cơ chế để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đặc thù
Tại buổi làm việc, lãnh đạo NHCSXH đã kiến nghị với Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, xem xét lại các văn bản quy phạm pháp luật về vị thế, địa vị pháp lý, tổ chức hoạt động của NHCSXH, đồng thời nghiên cứu một số cơ chế - chính sách mới để ngân hàng thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đặc thù được giao.
Đồng tình với việc cần có những cơ chế chính sách đặc thù, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng trước hết cần khẳng định lại, xác định đúng vai trò, vị trí của NHCSXH. Theo Phó Thủ tướng, NHCSXH là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện các chủ trương, chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội trên quy mô ngày càng tăng, đối tượng ngày càng rộng.
Từ khó khăn của NHCSXH trong việc cân đối vốn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách cho vay vốn xóa đói giảm nghèo, cho vay học sinh - sinh viên, Phó Thủ tướng cho rằng cơ chế chính sách, đặc biệt là cơ chế chính sách đặc thù cho một ngân hàng thực hiện chính sách xã hội là chưa đầy đủ, định hướng chính sách chưa rõ rệt.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm việc với NHCSXH. Ảnh: Chinhphu.vn
“Xác định đây là mô hình đặc thù, là ngân hàng nhưng không hướng tới mục tiêu lợi nhuận mà để thực hiện chính sách, do vậy nếu khẳng định được tính đúng đắn của mô hình này, phải tính toán nguồn cấp vốn ổn định để cân đối cho NHCSXH từ các nguồn ngân sách, ODA...”, Phó Thủ tướng nói.
Về một số hướng phát triển, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các Bộ, ngành cùng với NHCSXH gắn việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu mở rộng phạm vi các nhóm đối tượng được hưởng chính sách phù hợp với khả năng, thực tế phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng đề nghị NHCSXH cần chú trọng đào tạo, trau dồi đạo đức, kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ; ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong hoạt động và quản lý.
Nguồn www.chinhphu.vn