Trả lời câu hỏi đề nghị cho biết ý kiến chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông về thông tin sáp nhập Vinaphone và Mobifone được một số báo điện tử đăng vào sáng ngày 20/3, ông Lê Nam Thắng cho biết, thực hiện chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), nghiên cứu để trình các phương án.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng: Các đề án tái cấu trúc
phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, theo đúng quy trình. - Ảnh: Chinhphu.vn
Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định cho đến thời điểm này, lãnh đạo Bộ và Ban Cán sự Đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chưa xem xét và cho ý kiến bất cứ phương án nào của VNPT.
“Như vậy, thông tin đưa ra trên báo chí sáng nay là không chính xác”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định.
Ông Lê Nam Thắng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao nhiệm vụ chỉ đạo tái cơ cấu VNPT nói riêng, các doanh nghiệp viễn thông nói chung. Bộ xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phải làm thật chặt chẽ vì có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đến người lao động và người sử dụng dịch vụ viễn thông. Do vậy các đề án tái cấu trúc nói chung phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, theo đúng quy trình.
Sau khi có ý kiến của các đơn vị tham mưu, giúp việc, Bộ sẽ xem xét, quyết định và trình Chính phủ phương án cuối cùng.
3 tiêu chí khi tái cơ cấu VNPT
Ông Lê Nam Thắng cũng nêu ra 3 tiêu chí khi thực hiện tái cơ cấu tập đoàn VNPT và các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông.
Thứ nhất, việc cơ cấu phải đảm bảo doanh nghiệp viễn thông hoạt động hiệu quả hơn, có năng suất hơn, khả năng cạnh tranh cao hơn.
Thứ hai là việc tái cấu trúc không chỉ mang lại lợi ích riêng cho doanh nghiệp, cụ thể ở đây là VNPT, mà phải đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững hơn, cạnh tranh thật lành mạnh.
Thứ ba là quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước phải bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp đó vẫn hoạt động ổn định và không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, VNPT có thể đưa ra rất nhiều các phương án, song các phương án đều phải đảm bảo 3 tiêu chí nêu trên, đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
Theo Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2011, một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong 1 doanh nghiệp viễn thông thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông thuộc danh mục dịch vụ viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.
Nghị định 25 cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo đề ra lộ trình cụ thể để tuân thủ các quy định của Luật.
Hiện Bộ đang chỉ đạo VNPT, các doanh nghiệp khác và các đơn vị chức năng tiến hành rà soát lại để thực hiện các quy định nói trên.
Ngoài ra, ông Lê Nam Thắng cũng cho rằng có thể có rất nhiều phương án khác nhau được xây dựng trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, và việc doanh nghiệp đưa các phương án để lấy ý kiến cán bộ, công nhân viên, lấy ý kiến người dân và các cơ quan chức năng… cũng là điều hoàn toàn bình thường, giúp các phương án thêm hoàn thiện.
“Đấy là thông tin, còn trong thời điểm hiện tại, tôi xin khẳng định lại là chưa có bất kỳ phương án cụ thể nào về tái cơ cấu VNPT được doanh nghiệp trình lên Bộ”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn.
Nguồn www.chinhphu.vn