Đánh giá tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong suốt 25 năm qua, các diễn giả tham gia Hội thảo khẳng định, FDI hiện chiếm khoảng 20 – 25% tổng vốn đầu tư xã hội; tạo ra khoảng 45% giá trị sản xuất công nghiệp; tạo ra bộ mặt mới trong lĩnh vực dịch vụ, đóng góp vào ngân sách và GDP ngày càng tăng; tạo ra nhiều việc làm và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao…
Một số địa phương đã tăng thu ngân sách với tốc độ “phi mã” chủ yếu nhờ thu hút FDI, điển hình như tỉnh Vĩnh Phúc. Khi mới tách ra từ tỉnh Phú Thọ, thu ngân sách của Vĩnh Phúc chỉ hơn 100 tỷ đồng/năm. Vậy mà năm 2011, mặc dù huyện Mê Linh đã chuyển về Hà Nội, số thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 14.000 tỷ đồng, gấp 140 lần.
Tuy nhiên, cũng đã có nhiều vấn đề liên quan đến FDI đã được phát hiện và đang phải xử lý: vẫn có một số nhà đầu tư nhập khẩu vào Việt Nam công nghệ lạc hậu; không tôn trọng các quy định về bảo vệ môi trường; không giải quyết tốt quan hệ chủ - thợ, dẫn đến đình công phức tạp; đầu tư không theo quy hoạch; khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) phát triển tràn lan không hiệu quả…
Đóng góp ý kiến nhằm giải quyết các vấn đề này, GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư nhấn mạnh ba yếu tố quan trọng. Đó là chính sách ưu đãi, quyền lựa chọn và phản ứng chính sách.
Theo chuyên gia kỳ cựu này, chính sách ưu đãi đóng vai trò rất quan trọng trong thu hút FDI, song ưu đãi phố biến nhất - miễn giảm thuế - hiện đang có những bất cập lớn. “Không ít tỉnh, thành phố đã lạm dụng ưu đãi đầu tư, miễn là thu hút được FDI mà không tính đến hiệu quả kinh tế - xã hội của địa phương, thậm chí miễn giảm tiền thuê đất đến mức UBND tỉnh phải… vay tiền nhà đầu tư để chi trả chi phí đền bù, GPMB mà không biết khi dự án đi vào hoạt động thì thu ngân sách địa phương có hoàn lại được hay không”, GS Mại cảnh báo.
Bên cạnh thuế, những giải pháp ưu đãi tài chính và phi tài chính khác lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, ưu đãi thuế chỉ tác động tích cực đến những địa phương có điều kiện thuận lợi mà không thực sự giúp các tỉnh miền núi (có cơ sở hạ tầng kém phát triển) kêu gọi được vốn đầu tư…
Liên quan đến quyền lựa chọn, ông Nguyễn Mại và nhiều diễn giả khác chia sẻ quan điểm cho rằng, nhiều địa phương, ban quản lý các KCN, KKT vừa qua chưa thực hiện đầy đủ quyền lựa chọn của mình, bị động với ý định của nhà đầu tư, do đó đã cấp phép thiếu cân nhắc, phá vỡ quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, thậm chí có trường hợp không đảm bảo được lợi ích dân tộc.
Quyền lựa chọn gắn với việc đặt ra các kịch bản, xem xét, lựa chọn được phương án tối ưu trên cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội của từng dự án đầu tư. Cụ thể, trước khi cấp phép đầu tư, cần cân nhắc xem dự án có phù hợp quy hoạch và ý đồ của chính quyền địa phương; nếu phù hợp rồi thì nên chọn nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước? Khi đã quyết định chọn nhà đầu tư nước ngoài thì nên ưu tiên cho doanh nghiệp đến từ nước nào để có được công nghệ hiện đại, thúc đầy R&D, bồi dưỡng nguồn nhân lực? Nếu chưa có quy hoạch, chưa có ý đồ thì cần nghiên cứu kỹ tính khả thi của dự án, kể cả lựa chọn về địa điểm, thị trường, ưu đãi.
Cuối cùng, phản ứng chính sách của hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương cần phải nhanh nhạy hơn nữa. Rất nhiều vấn đề liên quan đến FDI đã “trôi dài theo năm tháng mà chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu chính là do phản ứng chính sách kém”, ông Mại nhận xét và dẫn chứng: tình trạng ô nhiễm môi trường được báo động liên tục, cơ quan chức năng cho đến nay vẫn không thể đưa ra được đánh giá khách quan về thực trạng công nghệ của doanh nghiệp FDI. Hay như tình trạng chuyển giá, phát hiện đã lâu nhưng vẫn chưa thống nhất được giải pháp khắc phục… “Vì sao một số nhà đầu tư rởm vẫn được cấp phép cho “dự án tỷ đô”; không ít doanh nghiệp FDI đóng cửa từ lâu vẫn chưa được xử lý, trong khi chủ đầu tư không còn ở lại Việt Nam?” – ông Mại đặt câu hỏi.
Không chỉ nhìn nhận tổng quan về dòng vốn FDI, hội thảo lần này còn đi sâu phân tích, mổ xẻ từng khía cạnh cụ thể trong môi trường đầu tư như đất đai, nhân lực, năng lực và chất lượng giao thông vận tải, công nghiệp phụ trợ…
Nguồn Báo SGGP Online