Sáng nay (14/3), Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam năm 2011.
Ảnh: Bích Diệp
Năng lực sinh lợi tăng dần theo quy mô
Kết quả điều tra nêu tại báo cáo lần này cho thấy, việc sử dụng vốn và vốn tự có trong các doanh nghiệp vừa và lớn hiệu quả hơn so với các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Và điều này cho thấy, vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ đơn thuần là việc tiếp cận nguồn vốn mà còn phải từ khía cạnh hỗ trợ sử dụng vốn hiệu quả. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao các ngân hàng thương mại thường không mặn mà khi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn.
Cụ thể, hai chỉ số đánh giá năng lực sử dụng vốn là tỉ lệ quay vòng vốn (tổng doanh thu/tổng nguốn vốn) và tỷ lệ quay vòng vốn tự có (tổng doanh thu/vốn tự có). Tỷ lệ này càng cao cho thấy tỷ lệ quay vòng vốn và vốn tự có của doanh nghiệp càng cao.
Tỷ lệ quay vòng vốn và vốn tự có trong các doanh nghiệp siêu nhỏ thường thấp nhất, trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp vừa và lớn thường cao nhất. Các doanh nghiệp siêu nhỏ có tỷ lệ quay vòng vốn cao nhất là 3,3 lần và thấp nhất là 1,3 lần. Trong khi tỷ lệ này ở các doanh nghiệp lớn lần lượt là 7,1 lần và 4,4 lần, ở các doanh nghiệp vừa là 10,1 lần và 4,3 lần.
Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vừa và lớn đã tận dụng được lợi thế về quy mô kinh tế.
Về tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, báo cáo cho thấy, chỉ số này giảm dần theo chiều tăng của quy mô lao động. Tức quy mô càng lớn, tỷ lệ các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả càng cao.
Đưa cần câu hay đưa con cá?
Hai chỉ số quan trọng khác phản ánh hiệu quả hoạt động doanh nghiệp là ROA và ROE cũng phần nào lý giải lý do nằm sau bức tranh tiếp cận vốn hiện nay khi mà tín dụng dù nới rộng thì các doanh nghiệp nhỏ vấn khó “với tới”.
Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) ở các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thường thấp hơn so với ROA ở các doanh nghiệp nghiệp quy mô vừa và lớn. Đáng chú ý là các doanh nghiệp siêu nhỏ trong hai ngành sản xuất xe có động cơ và sản xuất da giày có ROA rất thấp, lần lượt là 1,2% và 3,4%, hay hiệu quả sinh lợi trên tài sản của những doanh nghiệp này là rất kém.
Tại tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), chỉ số này cũng tăng dần theo quy mô doanh nghiệp. Trong khi ROE của các doanh nghiệp siêu nhỏ luôn thấp nhất trong 5 ngành nghiên cứu, nhất là trong hai ngành sản xuất xe có động cơ (4%) và sản xuất da giày (8%), thì ROE tại các doanh nghiệp lớn lại đạt giá trị cao nhất với lần lượt là 65% và 41%.
Như vậy, “Khi nói về hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì nên chú trọng đến năng lực sử dụng vốn hơn, vì năng lực sử dụng vốn của họ còn thấp. Có nâng cao năng lực sử dụng vốn cho họ thì các tổ chức tín dụng mới mạnh dạn cho những đối tượng này vay” – bà Phạm Thị Thu Hằng, trưởng nhóm nghiên cứu của Viện phát triển doanh nghiệp nhìn nhận.
Bà Hằng cũng cho hay, thời gian qua, khi tăng giá xăng dầu “Tôi đã nghe đã nhiều tâm tư của doanh nghiệp. Hy vọng tới đây sẽ không còn có thêm tin "tăng" nào nữa”.
“Năm ngoái, vừa có cả tăng giá xăng và tăng giá điện cùng lúc đã khiến cho tình hình trở nên rất xấu đối với doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng nên ổn định mặt bằng giá cả để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm hoạt động và phát triển, không bị “sốc” khi tổ chức kinh doanh” - bà Hằng đề nghị.
Nguồn dantri.com.vn