(NTO) Từ quốc lộ 27 A, theo con đường nhựa dài 16 km vượt qua xã Hòa Sơn, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đổi thay của núi rừng. Đứng trên đỉnh dốc nhìn xuống thôn Ú (trung tâm xã), trước mắt tôi là một Ma Nới đã hoàn toàn mới so với cách nay nhiều năm. Là xã xa nhất của Ninh Sơn, nằm về phía Nam và cách trung tâm huyện khoảng 25 km, Ma Nới có diện tích tự nhiên hơn 25.500 ha, phần nhiều là đồi núi và đất rừng, trong đó đất canh tác có trên 750 ha chủ yếu trồng bắp, lúa nước, lúa rẫy, đậu xanh và khoai mì. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ma Nới được biết đến với tên gọi chiến khu Anh Dũng, có cơ quan Tỉnh ủy đóng quân từ năm 1961 nên là nơi tập trung đánh phá của địch, chịu nhiều đau thương, mất mát nhưng cũng là nơi lập nhiều chiến công hiển hách.
Hệ thống giao thông được nhà nước đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển
hàng hóa của nhân dân xã Ma Nới. Ảnh: Sơn Ngọc
Sau ngày giải phóng quê hương, người dân Ma Nới bắt tay vào việc xây dựng cuộc sống mới trong điều kiện vô cùng khó khăn. Còn nhớ vào những năm đầu tái lập tỉnh, nhắc đến Ma Nới là người ta nghĩ đến nghèo đói, thiếu thốn. Nhưng qua bao năm nỗ lực vươn lên, có sự hỗ trợ từ các chính sách đầu tư của Nhà nước, bây giờ Ma Nới đã khang trang hơn, đời sống của đồng bào Raglai địa phương được cải thiện đáng kể. Ngoài trục đường chính rải nhựa vào đến trung tâm xã, Ma Nới còn có hơn 7 km đường bê-tông liên thôn. Dạo quanh các thôn Do, Hà Dài, Gia Rót, đâu đâu cũng nhìn thấy những căn nhà xây cao ráo, thoáng mát, trường học bề thế. Anh Cà Mau Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết: “ Hạ tầng nông thôn đã giúp Ma Nới mang diện mạo mới, cả xã có 100% hộ dân có điện sử dụng sinh hoạt, 70% hộ có xe máy và 80% hộ có ti-vi. Tỷ lệ hộ nghèo tuy còn cao, song đã xuất hiện nhiều nhân tố mới trong sản xuất phát triển kinh tế”.
Trong chặng đường 20 năm phát triển của Ma Nới, có nhiều điểm mốc đáng nhớ. Gần nhất là điểm mốc từ tháng 6-2008, khi Dự án “Xây dựng mô hình nông nghiệp toàn diện vùng gò đồi hoang hóa tại Ma Nới” do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai. Qua dự án, đồng bào Raglai trong xã đã dần biết cách chọn giống cây trồng phù hợp và ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất. Dự án được ví như một “cuộc cách mạng nông nghiệp” làm thay đổi tư duy sản xuất và tạo cơ hội cho người dân Raglai ở Ma Nới đổi đời.
Hệ thống thủy lợi phát triển giúp nông dân xã Ma Nới thâm canh lúa đạt năng suất cao.
Ảnh: Bạch Thương
Từ chỗ chỉ biết trồng bắp, khoai mì, lúa cạn trên nương rẫy, người dân Ma Nới đã canh tác được 82 ha ruộng lúa nước 2 vụ ăn chắc và trồng phổ biến giống đậu xanh cao sản, bắp lai tăng thêm thu nhập. Ở thôn Gia Rót, chúng tôi được biết có các ông Cà Mau Chiến, Churu Phấn nhờ trồng 1-2 ha lúa, bắp lai, đậu xanh mà sắm sửa được nhiều tiện nghi sinh hoạt gia đình. Một cây trồng lợi thế khác không thể không nhắc đến ở Ma Nới là cây điều. Ông Ka-tơ Khoe, ở thôn Tà Nôi có 4 ha vườn điều chia sẻ: “Thu nhập hàng năm từ điều của tôi khoảng 100-120 triệu đồng, năm nay có khả năng tăng lên 140 triệu đồng. Nhờ cây điều, tôi đã nuôi được con học Đại học Y Dược sắp tốt nghiệp”.
Cơ sở trường lớp phát triển đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc
Tại thôn Gia Rót, chúng tôi còn gặp được một số nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mới, đơn cử ông Pu-nhông Thiết. Trò chuyện với tôi, ông kể: “Tôi có 7 sào điều thu hoạch rất khá, nhưng sau khi nghe nói về hiệu quả cây trôm, tôi đã mua giống về trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha được 2 năm rưỡi, cây đã cao ngang đầu, nếu thu hoạch đạt, mình sẽ nhân giống trôm cho bà con trồng để tăng thu nhập”. Bên cạnh trồng trọt, tận dụng điều kiện tự nhiên của đồng cỏ dưới tán rừng, người dân Ma Nới đã đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Theo thống kê, toàn xã hiện có đàn bò trên 1.300 con. Nuôi bò là một trong những hướng đầu tư rất lãi, bình quân mỗi hộ dân Ma Nới nuôi 2 con, nhiều nhất là trên 15 con. Ông Tà-phố Bình ở thôn Tà Nôi có gần 20 con bò đã khẳng định: “Từ lâu nuôi bò được coi là kinh tế chủ lực của địa phương, bất cứ người dân Ma Nới nào có xe máy đi cũng đều nhờ nuôi bò tích lũy mà ra”.
Hệ thống nước sinh hoạt tập trung được nhà nước đầu tư xây dựng nâng cao chất lượng
cuộc sống đồng bào Raglai xã Ma Nới. Ảnh: Sơn Ngọc
Đưa chúng tôi đi xem các công trình thủy lợi nhỏ tại xã như đập Gia Hoa, A Toa, Tà Na, anh Cà Mau Viên cảm khái nói: “Đã 37 năm kể từ ngày giải phóng, giờ đây Ma Nới mới thực sự mang bộ mặt mới, lần đầu tiên đã có được kết cấu hạ tầng nông thôn hiện đại với những công trình tiêu biểu như hồ đập, kênh mương, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, đường giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt và nhiều thay đổi khác nữa. Đó sẽ là điều kiện thuận lợi cho vùng đất anh hùng triển khai xây dựng nông thôn mới trong những năm tới”.
Bạch Thương