(NTO) Những kết quả bước đầu
Trong những năm qua, tỉnh ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác XĐGN. Cùng với các chính sách như: tín dụng ưu đãi, khuyến nông- khuyến lâm – khuyến ngư, mô hình XĐGN, hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, cấp nước sinh hoạt, cấp bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí,… cho người nghèo, được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đã phát huy hiệu quả, được nhân dân phấn khởi đón nhận.
Nông dân xã Ma Nới trồng đậu xanh đạt hiệu quả kinh tế cao
góp phần xóa đói, giảm nghèo ở huyện miền núi Ninh Sơn. Ảnh: Sơn Ngọc
Trong giai đoạn 2006-2010, tổng nguồn lực được phối hợp, lồng ghép đầu tư cho chương trình XĐGN là 2.234 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 446,5 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tích cực hỗ trợ cho 40.985 lượt hộ nghèo vay trên 993,2 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ nhiều nguồn lực khác nhau, tỉnh ta đã xây dựng được 13.759 ngôi nhà cho hộ nghèo, chính sách, với tổng kinh phí gần 140 tỷ đồng. Ngoài ra, đã thực hiện miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho hơn 136.880 học sinh là con em hộ nghèo, với số tiền là: 15,8 tỷ đồng. Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 696.621 lượt người nghèo, tổng kinh phí 79, 969 tỷ đồng, đã có 163.844 lượt người nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí.
Đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.
Trong ảnh: Người dân xã vùng cao Phước Hà được bác sĩ chăm sóc sức khỏe tại Trạm Y tế xã
Các chính sách trên đã tác động trực tiếp đến đời sống người nghèo, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định đời sống, hạn chế những rủi ro, tiến đến xóa nghèo bền vững. Trong giai đoạn 2006-2010, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh ta giảm 2%, tương đương 1.468 hộ/năm. Công tác XĐGN đã thúc đẩy bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần phát triển KT-XH ở địa phương.
Xóa đói giảm nghèo, hướng đến bền vững
Theo chuẩn mới, toàn tỉnh hiện có 21.343 hộ nghèo/87.723 khẩu (chiếm 15,48% tổng số hộ dân); hộ cận nghèo 14.013 hộ/62.734 khẩu (chiếm 10,16%). Trong giai đoạn 2011-2015, mục tiêu của tỉnh ta đề ra mỗi năm giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5%. Riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015.
Theo đ/c Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội, để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2011-2015, cần tiếp tục quán triệt và thống nhất quan điểm chỉ đạo, đó là kết hợp chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với thực hiện XĐGN và an sinh xã hội; lồng ghép thật hiệu quả các chương trình, dự án và các hoạt động kinh tế với thực hiện mục tiêu XĐGN; xác định XĐGN phải xuất phát từ kinh tế, từ đó quan tâm giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân của nghèo đói, đó là việc làm và thu nhập của người nghèo; đẩy mạnh xã hội hóa công tác XĐGN, coi XĐGN là trách nhiệm của toàn xã hội, Nhà nước và người dân đều phải chia sẻ trách nhiệm để thực hiện, cái gì dân làm được thì tạo điều kiện để dân làm. Dự kiến trong 5 năm tới, tỉnh ta sẽ đầu tư 5.700 tỷ đồng, bình quân mỗi năm gần 1.140 tỷ đồng cho công tác XĐGN.
Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo cải thiện nhà ở.
Trong ảnh: Anh Bo Lang ở thôn Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn) được Nhà nước
hỗ trợ 13,4 triệu đồng theo chương trình 134 xây dựng căn nhà trị giá 40 triệu đồng.
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển KT-XH như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đưa giống mới, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, mở nhiều ngành nghề trong khu vực nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị canh tác và trên một đồng vốn. Khai thác và phát huy các lợi thế so sánh để phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động nói chung và người nghèo nói riêng, từ đó tạo tiềm lực kinh tế và sức mạnh vật chất để thực hiện công cuộc XĐGN. Rà soát và hoàn thiện thêm một bước hệ thống chính sách về XĐGN và cơ chế thực hiện thuộc thẩm quyền phân cấp của tỉnh cho phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao trách nhiệm các cơ quan quản lý trong triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo.
Từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi giúp nông dân nghèo đầu tư mở rộng sản xuất nâng cao đời sống gia đình.
Trong ảnh: Niềm vui của chị Mang Thị Cái ở thôn Láng Ngựa (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn)
được vay vốn chăn nuôi gia súc vươn lên thoát nghèo.
Tăng cường nguồn lực đầu tư gắn với nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo, trong đó ưu tiên chính sách đầu tư hỗ trợ điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đặc biệt đối với các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội và thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ để người nghèo được tiếp cận và thụ hưởng, bao gồm: hỗ trợ giáo dục và đào tạo, miễn giảm học phí, trợ cấp cho con em hộ nghèo; hỗ trợ khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và các đối tượng theo quy định thông qua hình thức cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác XĐGN và hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo. Đổi mới nội dung, biện pháp để tuyên truyền, giáo dục phù hợp với trình độ, hiểu biết của nhân dân ở từng vùng, từng địa phương và từng dân tộc.
Xuân Bính
• Đồng chí Trần Anh Việt, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:
Đói nghèo có tính tương đối tùy thuộc mức sống từng khu vực, từng tầng lớp dân cư, từng nhà, từng người, do đó nó phải là một chiến lược lâu dài, thường xuyên, khó nói là hoàn thành dứt điểm được. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác XĐGN; xác định công tác giảm nghèo là nội dung, mục tiêu lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, là trách nhiệm của mọi người dân, nhất là người nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, động viên để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Chỉ đạo lồng ghép thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào nghèo các vùng miền; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự lực làm ăn, không trông chờ ỷ lại các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo bền vững.
• Đồng chí Trần Hữu Đức,
Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái:Để người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa có cơ hội thoát nghèo, thì Trung ương, tỉnh cần đầu tư nhiều hơn nữa, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi trong vay vốn tín dụng, đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chính sách nhà ở, y tế, giáo dục… có vậy mới mở ra nhiều con đường thoát nghèo cho người nông dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, cần quan tâm hơn công tác lựa chọn, bố trí, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác XĐGN ở cơ sở, bởi họ là người sát với quần chúng nhất, hiểu năng lực kinh tế từng gia đình nên họ có thể đưa ra những phương án sát thực tế nhất, vừa có tâm, vừa có tầm giải quyết đói nghèo cho dân. Cũng cần phải có chế độ ưu đãi hơn để họ bám địa bàn, bám việc, bám dân hơn, bởi vì công tác XĐGN của chúng ta có vững chắc hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực và tâm huyết của đội ngũ này.
• Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển phụ nữ huyện Ninh Phước:Thực hiện công tác XĐGN cần tăng cường nguồn lực đầu tư gắn với nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo; trong đó ưu tiên chính sách đầu tư hỗ trợ tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, đặc biệt đối với các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đó là: chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông- lâm-ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề cho người nghèo; hỗ trợ con em người nghèo trong đào tạo nghề, cải thiện điều kiện sống; hỗ trợ để khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; nhân rộng các mô hình XĐGN có hiệu quả,… nhằm hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo. Quan tâm trợ giúp, giải quyết có hiệu quả vấn đề đất sản xuất cho các hộ nghèo, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với những nơi không còn quỹ đất như: chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh tăng vụ để tăng thu nhập; khuyến khích đầu tư cho lĩnh vực chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thu hút để chuyển dịch lao động nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp
Thảo Tiên - Xuân Bính