(NTO) Giá lúa “đầu ra” thấp, ngược lại với các chi phí “đầu vào” như phân bón; lúa giống; công làm đất, thu hoạch… tăng theo hàng vụ. Đó là chưa kể đến “áp lực” từ vốn vay ngân hàng, vay đại lý vật tư nông nghiệp… làm cho nhiều nông hộ mất “cân đối”, giỏi thì huề vốn, lấy công làm lãi, còn như kém thì lỗ cầm chắc! Một thực tế nữa là phần lớn nông hộ ở nhiều địa phương trong tỉnh diện tích đất sản xuất lúa không nhiều, bình quân từ 2 đến 3 sào/hộ cho nên bà con ít chú trọng đến áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên chi phí thì cao nhưng năng suất thấp… Mặt khác, do sản xuất thiếu định hướng theo yêu cầu thị trường, mạnh ai nấy làm nên sản lượng lúa hàng hóa tuy có nhưng do quá nhiều giống nên khó tiêu thụ tập trung ở một số đầu mối lớn mà chủ yếu là bán cho “hàng xáo” nhỏ, lẻ. Đây cũng chính là một trong những yếu tố làm cho lúa hàng hóa thường bị “ép giá” khi đến vụ thu hoạch.
Nông dân thôn Công Thành (xã Thành Hải, TP. Phan Rang- Tháp Chàm) ứng dụng cơ giới vào canh tác
nâng cao năng suất, chất lượng lúa hàng hóa. Ảnh: Sơn Ngọc
Để giải quyết một phần lượng lúa hàng hóa còn tồn trong dân, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo mua tạm trữ 1 triệu tấn lương thực, trong đó yêu cầu doanh nghiệp mua thấp nhất là 5.000đồng/kg lúa khô. Đây quả là tin vui đối với người sản xuất trong đó có nông dân tỉnh ta. Tuy nhiên về căn cơ ngành chức năng cần đánh giá đúng thực tế để quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa gắn với liên kết “4 nhà” một cách chặt chẽ. Vận động nông hộ “dồn điền đổi thửa” để hình thành những cánh đồng mẫu lớn… Có như vậy vừa góp phần thay đổi bộ mặt sản xuất nông thôn, vừa giúp nông hộ giảm nỗi lo “được mùa mất giá” lưu cữu nhiều năm qua.
A.T