Đường nội đồng - Mở ra hướng đi mới cho đồng lúa Phương Cựu

Sau hơn 3 tháng thi công, giữa tháng giêng năm nay, đường nội đồng từ gò Đại Phòng đến tràn Cây Trôm thuộc xã Phương Hải (Ninh Hải) đã được nghiệm thu và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý và đưa vào sử dụng. Đây là con đường bê-tông có chiều dài 1.200 mét, lòng đường rộng 5 mét, phần bê-tông mặt đường rộng 3,5 mét do Ban quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh đầu tư với tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng.

(NTO) Chúng tôi đến đồng Cà Rài (chiếm gần 20% diện tích đồng Phương Cựu). Nằm ở vùng trũng cuối kênh nội đồng dẫn nước về từ kênh Bắc, đồng Cà Rài có diện tích 80 ha, nhiều năm qua do địa hình thấp trũng, luôn ngập sình lầy nên đây được coi là nơi còn lại của địa phương chưa áp dụng cơ giới hóa được.

Đường giao thông nội đồng ở Phương Hải - tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản
ngay cả trong mùa mưa lũ.

Chị Phạm Thị Tâm, nông dân ở thôn Phương Cựu 1, có 1 sào lúa 3 vụ ở gò Cây Cóc, đang trên đường ra đồng thăm lúa nhớ lại: “Không riêng đồng Cà Rài, trận lũ tháng 11-2010 đã phá nát con đường nội đồng, bùn đất nhão ra không thể nào đi được, đừng nói máy cày, máy gặt, ngay như xe bò cũng chịu. Khi thu hoạch, chúng tôi phải chở lúa ngược ra con đường rải sỏi đỏ về hướng gò Cây Táo, xa gấp đôi con đường nội đồng bị hư hại. Bây giờ có con đường mới này, nông dân chúng tôi đã đỡ công vận chuyển rất nhiều”. Anh Nguyễn Duy Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phương Hải cho biết: “Đồng Cà Rài chưa hưởng lợi nhiều nhưng nhìn tổng thể trên cánh đồng Phương Cựu, dự án đường nội đồng này đã tạo ra hướng phát triển mới, giúp chuyển đổi phương tiện vận chuyển lúa từ xe bò qua xe cơ giới, riêng việc này đã tiết kiệm hơn nửa chi phí cho người nông dân khi thu hoạch lúa”.

Nhiều hộ nông dân Phương Hải hưởng lợi từ công trình này cũng khẳng định con đường thực sự đem lại thay đổi lớn cho cánh đồng lúa của xã. Trước đây vào mùa mưa, việc vận chuyển nông sản thu hoạch rất khó khăn, lúa bao thường đổ ngã dọc đường hao hụt rất nhiều nhưng nay thì mọi việc đã trở nên rất thuận lợi, lại tiết kiệm đáng kể thời gian. Đặc biệt với hàng cọc cắm dọc hai bên đường đã giúp định hướng được đường đi, nhất là vào mùa mưa lũ nước tràn qua đường, nên nông dân rất yên tâm. Ông Nguyễn Văn Đực, nông dân thôn Phương Cựu 3, có 4 sào lúa 3 vụ, cạnh con đường nội đồng, hồ hởi: “Với con đường nội đồng bê-tông này, chúng tôi không còn lo việc vận chuyển vào mùa mưa, việc sản xuất cũng sẽ thuận lợi hơn”. Toàn xã Phương Hải hiện có 9 chiếc máy cày lớn, 15 chiếc máy cày nhỏ và 7 chiếc máy gặt đập liên hợp. Từ con đường bê-tông nội đồng gò Đại Phòng- tràn Cây Trôm, các phương tiện cơ giới nông nghiệp và xe tải nhẹ sẽ dễ dàng tiến sâu vào ruộng lúa, phục vụ đắc lực cho trên 1.404 hộ nông dân vào vụ canh tác với diện tích hơn 410 ha.

Xoay quanh câu chuyện con đường, anh Nguyễn Duy Hồng giải thích thêm: “Thực ra con đường nội đồng bê-tông khởi từ gò Đại Phòng không phải đến tràn Cây Trôm là kết thúc, thực tế nó còn nối liền con đường bê-tông 200 mét đã có trước do Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đầu tư dọc tuyến mương chính, nên chiều dài có thể lên đến 1.400 mét”. Con đường giao thông nội đồng đã giúp nông nghiệp Phương Hải mang bộ mặt mới, là đòn bẩy cho sự phổ biến cơ giới hóa phương tiện sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật. Chúng tôi được biết ngoài bắp và rau màu các loại, trong tổng diện tích lúa đã gieo cấy hết, vào vụ đông- xuân hằng năm, nông dân Phương Hải dành 80 ha làm lúa giống liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam. Đây là mô hình đã thực hiện từ năm 2008, cho thấy người làm lúa giống đã tăng thu nhập gấp 1,5 lần so với làm lúa thịt. Vì vậy không ít người nông dân địa phương hy vọng giao thông nội đồng sẽ tạo thêm điều kiện cho việc mở rộng diện tích sản xuất lúa giống.

Cùng với sự ra đời của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phương Tiến làm chỗ dựa cho nông dân, có thể thấy rõ dự án kiên cố con đường giao thông nội đồng đang góp phần mở ra cơ hội mới cho Phương Hải đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Đây là một trong những nhân tố quan trọng tác động hiệu quả vào tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.