Điểm nhấn hoạt động văn hóa: Đổi mới Lễ tế Xã Tắc

Trong tuần qua, bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa diễn ra trên cả nước thì tại cố đô Huế, Lễ tế Xã Tắc, một nghi thức quan trọng của các vua triều Nguyễn trước đây cầu cho quốc thái dân an, mùa màng bội thu, lần đầu tiên do Chủ tịch UBMT Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ tế.

Lễ tế Xã Tắc (tế Thần Đất và Thần Lúa) là lễ trọng thời nhà Nguyễn nhằm tôn vinh nền nông nghiệp, cầu mong đất nước thái bình, mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm. Chủ tế (khi đó) là các vua nhà Nguyễn. Sau khi chế độ phong kiến tan rã (sau Cách mạng tháng Tám 1945), Lễ tế Xã Tắc không được tổ chức. Từ Festival Huế năm 2004, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phục dựng Lễ tế Đàn Nam Giao và từ năm 2008 dựng lại Lễ tế Xã Tắc.

 

 Ông Trần Phùng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ tế Lễ tế Xã tắc năm nay.
Ảnh: VnExpress

Trong những lần tổ chức trước, vị chủ tế là diễn viên được thuê đóng vai nhà vua và cử hành tất cả nghi thức. Tuy nhiên, việc này đã không nhận được sự đồng tình của giới nghiên cứu cũng như người dân Huế vì khi cử hành các nghi thức, diễn viên quá quan trọng diễn phần nghi thức. Do đó, mới đây, Ban Tổ chức quyết định vị chủ tế phải do Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đại diện cho nhân dân dâng lễ.

Lễ tế Xã Tắc năm nay vẫn chọn giờ theo cách của người xưa, bắt đầu lúc gần nửa đêm, giờ Tý ngày Bính Thìn tháng Trọng Xuân (giữa mùa xuân) năm Nhâm Thìn 2012 (giao thời ngày 8 và 9/3/2012).

Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc phục trách Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Lễ tế Xã Tắc gồm có 2 phần: phần phục dựng các hình thức nghi lễ (có tính chất trình diễn) và phần dành cho mọi người dâng hương.

Lễ tế Xã Tắc năm nay được xã hội hóa tối đa, trong đó, người dân được xem là chủ thể tinh thần của lễ tế. Ông Trần Phùng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế, là người đại diện cho các tầng lớp nhân dân đứng ra làm chủ tế. Cũng vì vậy, Lễ tế Xã Tắc năm nay giảm bớt những lễ tiết nghi thức không cần thiết.

Dù trời đã khuya nhưng người dân và du khách thập phương vẫn hào hứng kéo đến theo dõi buổi lễ. Nhiều người dân đã từng tham gia các buổi lễ tế từ khi được tái hiện, nhưng lần này họ thấy thực sự tôn nghiêm.

Về các hoạt động khác, trong các ngày từ 5 - 9/3, tại Hà Nội đã diễn ra Tuần lễ Văn hóa và Phát triển UNESCO tại Việt Nam lần đầu tiên. Hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UNESCO và các cơ quan đối tác tổ chức bao gồm một chuỗi các sự kiện: đối thoại về chính sách phát triển văn hoá, các hội thảo khoa học, bàn tròn đối thoại với báo chí, ra mắt tài liệu hướng dẫn, chiếu phim miễn phí.

Đáng chú ý là cuộc đối thoại với chủ đề “Tăng cường hợp tác để bảo tồn và phát huy văn hóa vì sự phát triển bền vững của Việt Nam” và các hội thảo về “Cân bằng bảo tồn di sản và quá trình hiện đại hóa tại Việt Nam”, “Giáo dục di sản trong nhà trường tại Việt Nam”, “Triển khai kế hoạch hành động nhằm nâng cao việc thực hiện Công ước Di sản Thế giới ở Việt Nam”, “Lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững - Chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình Quảng Nam”, “Phát huy tập quán địa phương tại các khu dự trữ sinh quyển và di sản thiên nhiên thế giới tại Việt Nam”; “Kết quả từ giai đoạn thử nghiệm lần thứ nhất Bộ Chỉ số văn hóa cho phát triển của UNESCO tại Việt Nam”.

Tại cuộc đối thoại và hội thảo, vấn đề được các nhà nghiên cứu văn hoá, quản lý văn hoá quan tâm là phải nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa không chỉ là công việc của riêng các cơ quan chức năng Nhà nước mà còn cần sự hợp tác đa ngành, sự góp sức của khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ… Cần tránh xu hướng “sáng tạo” hay "chế tác" hoặc “sân khấu hóa” di sản văn hóa truyền thống.

Từ ngày 5 đến 9/3 tại TPHCM diễn ra Liên hoan giọng hát truyền hình ASEAN 2012. Đây là hoạt động nghệ thuật nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, phát triển mối quan hệ hữu nghị của các thành viên trong khối ASEAN, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các đài truyền hình trong khu vực. Mỗi thí sinh tham gia dự thi một bài hát nhạc nhẹ bằng tiếng Anh và một bài hát mang phong cách dân ca truyền thống bằng tiếng bản xứ. Đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam tham gia chương trình lần này là 2 ca sỹ Đức Tuấn và Thanh Ngọc.

Từ ngày 11 đến 17/3, tại Hà Nội diễn ra Triển lãm “Sen hồng đất Việt – Đời sen 14” của nhà nhiếp ảnh Trần Bích. Qua 50 bức ảnh, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa sen. Trong hơn 2 năm kể từ cuộc triển lãm đầu tiên (19/9/2009) đến nay, nghệ sỹ Trần Bích đã có 13 cuộc triển lãm về sen và tổng số tiền bán ảnh về hoa sen được gần 1,7 tỷ đồng. Ông đã tặng số tiền thu này cho các em mồ côi, khuyết tật, các cụ già neo đơn, dân nghèo ở miền núi, các bệnh nhi ung thư hoặc quỹ khuyến học… Nhiếp ảnh gia Trần Bích, tên thật là Trần Văn Bích, sinh năm 1946 tại Nha Trang. Ông vốn là một doanh nhân đến với nhiếp ảnh từ năm 2002 như là một thú vui sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Một nghệ sỹ giàu lòng nhân ái.

Một cảnh trong vở "Nguyễn Du với Kiều". Ảnh: Chinhphu.vn

Tiếp nối các hoạt động sân khấu thể nghiệm bắt đầu từ ngày 10/3, Đoàn kịch thể nghiệm của Nhà hát Tuổi trẻ cho ra mắt vở diễn mới mang tên “Nguyễn Du với Kiều” do NSND Lan Hương làm đạo diễn. Vở diễn thể hiện cuộc đời của nàng Kiều trầm luân trong bể khổ, lênh đênh phiêu dạt. Điều đáng chú ý là NS Lan Hương đã sử dụng làn điệu chèo Bắc Bộ, làn điệu hò Huế và bài vọng cổ “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng trong vở diễn này. Một nét khác lạ của vở diễn là sự xuất hiện nữ sĩ Hồ Xuân Hương trên sân khấu, tuy rằng đó chỉ là chi tiết hư cấu về “Bà chúa Thơ Nôm”, người luôn trăn trở, bênh vực thân phận người phụ nữ dưới xã hội phong kiến, nhưng đã được người xem ghi nhận là thành công của thể nghiệm mới.

Vở diễn “Nguyễn Du với Kiều” được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam hỗ trợ kinh phí và đây được xem là sự khích lệ sức sáng tạo, tìm tòi một hướng đi mới của sân khấu đương đại với quá trình hội nhập quốc tế.

Nguồn www.chinhphu.vn