Khuyến khích học sinh tự học

Đối với học sinh phổ thông, đặc biệt là các em lớp 12, đây là thời điểm học tập quan trọng vì các kỳ thi đang gần kề, lượng kiến thức các em cần phải tiếp thu ngày càng nhiều, yêu cầu của các kỳ thi đặt ra ngày càng cao.

(NTO) Khoảng thời gian này chính là để các em xác định được phương pháp học tập hiệu quả, nhằm khắc sâu thêm những kiến thức đã được tiếp thu ở nhà trường. Đồng thời, các bậc phụ huynh, các thầy, cô giáo cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc học của các em, một yêu cầu đặt ra là phải khuyến khích học sinh tính tự học.

Trước đây, nếu như học sinh học ở nhà nhiều hơn ở trường thì bây giờ hoàn toàn ngược lại: việc ra khỏi nhà và đi đến trường của các em chiếm hầu hết quỹ thời gian. Ngày 3 buổi: sáng, chiều, tối. Một buổi học chính khóa, buổi còn lại học bồi dưỡng, học thêm. Đêm thì ngoại ngữ, tin học. Thật “chóng mặt” khi nhìn vào thời khóa biểu của con, em mình. Học thêm, dạy thêm tràn lan dễ dẫn đến hậu quả “giỏi giả” như rất nhiều em học sinh hiện nay. Trong nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân các em chưa biết xác định cho vấn đề tự học.

 
Học sinh Trường PTTH Nguyễn Trãi trao đổi phương pháp làm bài.
Ảnh: Văn Miên

Là người trong cuộc, xin được góp ý với các bậc phụ huynh, các thầy, cô giáo hãy tích cực hướng dẫn các em tự học càng nhiều càng tốt. Bởi lẽ, có tự học thì kiến thức của các em mới chắc chắn và sâu rộng.

Đối với mỗi gia đình cần theo dõi sát quá trình tự học ở nhà của các em, bởi những kiến thức học sinh tiếp thu được trên lớp không thể nhanh chóng biến thành “vốn” đối với người học. Đó mới chỉ là bước đầu của hoạt động nhận thức. Bởi, nhận thức là một quá trình. Sau những bài giảng của giáo viên, học sinh phải biết nhớ lại, ngẫm lại, nghĩa là biết mò mẫm, nhào nặn, kiểm nghiệm và tư duy, tức là quá trình “tự học”. Một học trò giỏi không phải đơn thuần là một học trò thuộc “rành rọt” các phương pháp, cách giải quyết và kết quả, đáp số mà người khác đã làm. Học trò giỏi là học trò biết được trên cơ sở những gợi ý, hướng dẫn của giáo viên ở trên lớp để suy nghĩ, trăn trở tìm ra lời giải mới. Để giải được một bài toán buộc các em phải biết tìm tòi, ôn tập lý thuyết đã học, rồi liên hệ, liên tưởng. Chính quá trình tìm tòi, động não đó sẽ có tác dụng tích cực đến trí tuệ và năng lực của học sinh, để làm được điều này thì bắt buộc các em phải dành một lượng thời gian thích đáng cho việc tự học ở nhà.

Vì quá chạy theo phong trào học thêm nên các em cũng ngày lơ là việc học ở trường. Đến lớp chỉ biết nghe và chép một cách miễn cưỡng, ít chịu suy nghĩ. Đối với các môn khoa học xã hội, các em ít đọc các tài liệu để phục vụ cho học tập, nên gây không ít khó khăn đối với giáo viên. Yêu cầu đặt ra đối với giáo viên là phải thay đổi phương pháp dạy học theo hướng tích cực, theo hướng “lấy học sinh là trung tâm”, nhưng ở đây không chỉ là quan tâm đổi mới dạy học thông qua giờ học ở trên lớp mà cần chú trọng hướng các em tự học ở nhà sao cho đạt hiệu quả. Cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá để rèn luyện học sinh tính tự học, tính sáng tạo. Làm được như vậy, mới giúp học sinh tích lũy được nguồn kiến thức bổ ích. Phải nhắc nhở để các em biết rằng: có tự học thì kiến thức mới chín, mới sâu, mới trở thành “máu thịt” của mình.

Mặt khác, cũng chính vì quá “bận rộn” với việc học thêm nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động giải trí có phần hạn chế. Không khí vui tươi, sôi nổi ở các trường phổ thông của tuổi trẻ có phần lắng lại. Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng cần được các nhà trường quan tâm và dành một quỹ thời gian nhất định, nội dung của hoạt động này cần phải thiết thực, bổ ích đối với chính các em.

Khuyến khích học sinh tự học, cũng có nghĩa chúng ta góp phần làm giảm việc dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay. Nên chăng nhà trường và gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề tự học của các em nhưng phải đảm bảo tính khoa học và tính sư phạm. Nhắc nhở, khuyến khích, xây dựng thói quen tự học ở người học là rất cần thiết. Có như thế mới hạn chế được học sinh đến trường, đến lớp một cách “qua loa” không hiệu quả.