Đây cũng là cách giúp các em có kiến thức cơ bản về QP-AN, có kỹ năng cần thiết để tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ là những buổi học khô khan, nhiều trường học đã gắn việc học tập với thực hành, ngoại khóa, đưa môn học thực sự góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.
Học sinh Trường THPT Hồ Xuân Hương trong giờ học gấp chăn màn.
Trải nghiệm thực tế cuộc sống người lính
Tuần lễ "GDQP-AN và hoạt động ngoại khóa" mà Trường THPT Hồ Xuân Hương (quận Thanh Xuân) thực hiện tại Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) trung tuần tháng 1 vừa qua đã thu hút 100% học sinh của trường tham gia. Bằng kinh nghiệm trong công tác huấn luyện, CBCS của Trung đoàn 692 đã giúp các em học sinh thực hiện công việc của một người chiến sĩ. Sau một tuần được sống trong môi trường quân đội với tính kỷ luật cao, các em đã thực hiện nghiêm túc thời gian biểu mà nhà trường đề ra.
Em Nguyễn Thị Hải Yến, lớp trưởng lớp 12A2 tâm sự: "Lần đầu tiên xa nhà, phải tự mình lo hết mọi việc, thời tiết thì lạnh, có hôm lại còn mưa, nhưng thực sự em thấy rất vui vì nhận được sự quan tâm tận tình của thầy, cô và của các anh bộ đội. Em cũng giống như các bạn trong lớp, thấy mình rắn rỏi, trưởng thành hơn". Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Xuân Hương cho biết: "Xác định GDQP-AN là môn học chính khóa, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tạo cho thế hệ trẻ có điều kiện tu dưỡng phẩm chất, rèn luyện năng lực để sẵn sàng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên nhà trường đã tổ chức tuần lễ "GDQP-AN và các hoạt động ngoại khóa" tại một đơn vị quân đội chính quy". Năm thứ hai thực hiện hoạt động này tại đơn vị quân đội, với Trường THPT Hồ Xuân Hương đây là bước đột phá mang đến hiệu quả cao trong mô hình giáo dục toàn diện cho học sinh. Thượng tá Trần Văn Lâm, Chính ủy Trung đoàn 692, Sư đoàn 301 cho biết: "Thời gian học tập, rèn luyện rất ngắn nhưng các em đã tiếp thu nhanh các bài học và thực hiện khá tốt các động tác. Đặc biệt là tính kỷ luật, kỷ cương, nền nếp đã được các em chấp hành nghiêm túc trong thời gian ở tại đơn vị".
Và giáo dục lòng yêu nước
Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ GDQP-AN cho HS là một nội dung hết sức quan trọng, bởi qua đó trang bị cho HS nhận thức đúng về nghĩa vụ công dân, kỹ năng quân sự cần thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của TƯ, từ năm 2008 đến nay, các trường trên địa bàn Hà Nội đã đưa môn GDQP-AN trở thành môn học chính khóa theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Phần lý thuyết được học rải đều trong suốt năm học, phần kỹ năng quân sự, các trường mời thêm cán bộ quân đội đóng trên địa bàn tham gia giảng dạy. Hiện nay, học sinh ba khối 10, 11, 12 bậc THPT đã được học mỗi tuần một tiết cả lý thuyết và thực hành. Bên cạnh đó, TP còn cung cấp sách giáo khoa và thiết bị giảng dạy để bảo đảm chất lượng giáo dục. Hằng năm, Hà Nội đã thực hiện GDQP-AN cho hơn 22 vạn học sinh THPT với chất lượng ngày càng cao. Đại tá Lê Đình Dung, Trưởng phòng Dân quân tự vệ, Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết: Bộ Tư lệnh Thủ đô và ngành GD-ĐT TP luôn cố gắng để môn học GDQP-AN thực sự hấp dẫn học sinh. Một trong những giải pháp hiệu quả là Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phối hợp với các đơn vị đóng quân trên địa bàn, các nhà trường tổ chức cho các em đi dã ngoại để các em HS được sống trong môi trường quân đội và trực tiếp chứng kiến sinh hoạt hằng ngày của bộ đội. Qua đó không chỉ củng cố kiến thức về QP-AN đã được học trong nhà trường mà còn giáo dục nền nếp học tập, sinh hoạt hằng ngày của học sinh.
Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho HS là trang bị cho các em ý thức trách nhiệm, tự giác trong học tập, nghiên cứu. Với cách làm bài bản và sự quan tâm đúng mức của các ngành liên quan, chất lượng công tác GDQP-AN cho học sinh ở Thủ đô đã và đang thu được hiệu quả thiết thực.
Nguồn Báo Hànộimới