Từ trung tâm thành phố xuôi về phía nam hơn 15 cây số (theo đường Minh Khai – Tam Trinh), rồi tiếp tục đi trên con đê Hữu Hồng thêm 5 cây số nữa, du khách sẽ tới được ngôi đền Đại Lộ cổ kính, một danh thắng bao đời của vùng quê Bắc Bộ. Đền Đại Lộ được xây dựng từ Triều Trần, cách đây khoảng hơn 700 năm. Xung quanh sự ra đời của ngôi đền cũng như lễ hội truyền thống này đã có nhiều nghiên cứu khác nhau, nhưng các cụ cao tuổi trong làng vẫn truyền lại cho con cháu một sự tích mang màu sắc huyền bí, đầy tự hào.
Xưa kia, đoạn đê ở làng quê Ninh Sở bị vỡ, người dân trong làng tìm mọi cách để đắp lại nhưng đều không thành. Sau đó, đích thân nhà Vua cùng dân làng ra sông Nhị Hà cầu khấn, làm lễ xin ba vị thánh mẫu cho hạp long khúc đê, dân làng xin lập đền thờ phụng. Lúc đó, có hai ông rắn (dân làng gọi là hai ông đốp hay ông đốt) đột nhiên xuất hiện, từ từ đấu đuôi lại với nhau, từ đó đoạn đê được hạp long và không bao giờ bị vỡ nữa. Chính vì vậy, ngay phía trên các ban thờ trong đền Đại Lộ đều được trang trí bởi hai con rắn cuộn mình trên các thanh xà.
Năm nay, ngay từ rạng sáng mùng 1/2 âm lịch trong tiết trời còn lạnh và mưa phùn, lễ khai hội được diễn ra tại đền Đại Lộ và đền Quan theo đúng nghi thức cúng lễ nhà Thánh gồm có nghi thức mở cửa đền, cúng phong phục và khai quang yên vị ở cả hai đền trên. Sau đó, du khách và dân làng mới được phép vào đền dâng hương, lễ vật lễ Thánh.
Thuyền dùng trong lễ rước cấp thủy trên sông Hồng sáng mùng 5 – ngày chính hội
Chính hội được diễn ra trong ba ngày, từ mùng 4 – 6/2 âm lịch. Sáng mùng 5, lễ rước cấp thủy (rước nước) trên sông Hồng được tổ chức. Mục đích của lễ thức này là cầu cho mưa thuận gió hòa và xin nước về thờ. Sang ngày mùng 6 còn được gọi là chính tiệc của Tứ vị thánh mẫu nên các hoạt động đều nhằm tôn vinh uy danh của Ngài. Lễ vật bắt buộc là bánh dày và cơm nắm muối vừng.
Lễ hội đền Đại Lộ được tổ chức long trọng, truyền thống nhưng không khoa trương, lãng phí, người dân nơi đây lịch sự, mến khách. Đặc biệt, ban tổ chức Lễ hội cấm các hoạt động hát văn tự do bên ngoài khu vực đền để đảm bảo trật tự. Lễ hội không xuất hiện tình trạng chèo kéo du khách xem bói, xem tướng số, tham gia trò chơi đỏ đen, không có người ăn xin.
Du khách thập đến với lễ hội được thoải mái thăm quan các đền, chùa trong làng, dâng hương lễ Thánh trong những ngày diễn ra hội. Khi ra về, du khách có thể mua bánh dày - đặc sản của làng làm quà.
Nguồn Báo Hànộimới