Tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp vừa diễn ra buổi giới thiệu hai cuốn sách được xuất bản của nhà nghiên cứu người Pháp Pierre Journoud viết về Việt Nam.
Cuốn sách “Tướng De Gaulle và Việt Nam (1945-1969)” cũng chính là đề tài nghiên cứu tiến sỹ của nhà nghiên cứu lịch sử và quốc phòng trẻ người Pháp Pierre Journoud.
Buổi lễ giới thiệu sách
Dựa trên những nghiên cứu sâu sắc, tư liệu dày dặn và các cuộc phỏng vấn nhiều nhân chứng, tác giả đã phân tích chính sách của tướng De Gaulle - vị Tổng thống đầu tiên trong nền cộng hòa thứ 5 của nước Pháp đối với Việt Nam. Đặc biệt, từ tuyên bố tại Brazzaville năm 1944 đến tuyên bố ở Phnom Penh năm 1966, lập trường thực dân của De Gaulle chuyển sang phi thực dân hóa biến chuyển một cách rõ rệt.
Việt Nam - với sức mạnh trong đấu tranh giành độc lập cùng vị trí địa chiến lược quan trọng đã là một trong những nhấn tố quan trọng tạo nên sự thay đổi mà tác giả Pierre Journoud gọi là “sự hòa giải” của tướng De Gaulle với Việt Nam.
Cuốn sách thứ hai “Việt Nam, 1968-1976: Ra khỏi chiến tranh” được tác giả Pierre Journoud giới thiệu đến bạn bè Việt Nam và Pháp thông qua một đoạn băng tư liệu đi kèm với cuốn sách. Dựa trên nhiều nguồn tư liệu quý, các nhân chứng lịch sử, nhà nghiên cứu Journoud cùng đồng tác giả là nhà nghiên cứu người Mỹ Cécile Menétrey-Monchau đã làm sâu sắc giai đoạn quan trọng khi Việt Nam đấu tranh chấm dứt chiến tranh, với điểm nhấn là các cuộc thương lượng ngoại giao dẫn đến Hiệp định Paris năm 1973 và tiếp đó là đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Bìa cuốn sách “Tướng De Gaulle và Việt Nam (1945-1969)”
Dù tuổi đời rất trẻ, song Pierre Journoud là một trong những nhà nghiên cứu có tiếng tại Pháp về Việt Nam. Trước hai cuốn sách giới thiệu lần này, anh từng viết cuốn “Lên tiếng về Điện Biên Phủ, chứng từ của những người còn sống” do nhà xuất bản Tallandier in năm 2004.
Giải thích về mối quan tâm đặc biệt của anh với Việt Nam và mối quan hệ Việt- Pháp, nhà nghiên cứu Pierre Journoud nói: “Bố tôi từng đi lính, dù không trực tiếp tham chiến tại Đông Dương nhưng ông đã nếm trải những đau đớn của chiến tranh và ông luôn chỉ trích chính sách của nước Pháp trong cuộc chiến ở Đông Dương, ở Việt Nam thời đó. Tôi đã tập trung nhiều vào mối quan hệ Việt- Pháp trong quá trình học tập và nghiên cứu và một người thầy đã gợi ý tôi đề tài về quan hệ Việt Pháp sau chiến tranh năm 1945– một đề tài ít được nghiên cứu tại Pháp. Tôi say mê đất nước Việt Nam của các bạn và luôn muốn nghiên cứu về quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội giữa hai nước chúng ta. Tôi từng thực hiện một chuyến đạp xe xuyên Việt cùng các bạn Việt Nam và chúng tôi đã cùng làm một bộ phim tư liệu về những địa điểm lịch sử đáng nhớ trong mối quan hệ Việt- Pháp”.
Tại buổi giới thiệu sách, bà Hélène Luc – một người đã biết đến cuốn sách “Tướng De Gaulle với Việt Nam (1945-1969)” đánh giá cao những nghiên cứu của tác giả Pierre Journoud: “Cuốn sách này rất quan trọng, bởi nó đi sâu vào một giai đoạn ít được đề cập lâu nay và tôi đã đọc cuốn sách một cách say sưa. Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn chính sách của chính quyền De Gaulle, dù ông đã bị chỉ trích nhiều về chính sách thực dân nhưng sau đó đã có sự chuyển hướng chính sách quan trọng”.
Tác giả Pierre Journoud ký tặng sách
Tác giả Pierre Journoud hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu chiến lược Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM), phụ trách điều phối chương trình nghiên cứu về Đông Nam Á, đồng thời là thành viên Trung tâm Lịch sử châu Á đương đại thuộc Đại học Paris 1 Panthéon Sorbonne. Ông cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm tòi thêm các chủ đề mới, mở rộng và làm sâu sắc sự hiểu biết chung giữa hai nước, đặc biệt là trong dịp năm 2013 là năm giao lưu chéo giữa Pháp và Việt Nam.
Nguồn VOV Online