Châu Á tích cực tìm giải pháp chống suy thoái

Hãng AFP ngày 14-2 đưa tin lạm phát của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 2 năm qua, tạo điều kiện cho ngân hàng trung ương nước này cắt giảm lãi suất để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát giảm nhờ giá lương thực giảm 

Chỉ số giá bán sỉ (WPI) của Ấn Độ tháng 1 năm nay đã giảm xuống còn 6,55%, thấp hơn nhiều so với mức lạm phát được ghi nhận hồi tháng 12-2011 là 7,47%. Có được kết quả này chủ yếu là nhờ giá lương thực và rau quả giảm mạnh trong thời gian qua.

 
Lạm phát của Ấn độ giảm phần lớn nhờ giá lương thực giảm mạnh trong thời gian qua.

Giá lương thực tại Ấn Độ đã giảm lần đầu tiên trong vòng 6 năm qua nhờ những nỗ lực của chính phủ, đặc biệt tăng cường các nguồn cung cấp. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát này vẫn còn cao so với mục tiêu tỷ lệ 5% của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ.

Theo AFP, lạm phát Ấn Độ luôn ở mức 2 con số trong phần lớn thời gian năm 2011 trước khi giảm thấp vào tháng 12 của năm này. Nguyên nhân là do giá lương thực tăng quá cao, khiến hàng triệu người dân Ấn Độ sống trong cảnh khổ cực, chính phủ gặp nhiều khó khăn. Chính vì điều này mà Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã phải tăng lãi suất 13 lần kể từ tháng 3-2010 nhằm kiềm chế lạm phát, kéo nền kinh tế phát triển chậm lại, các hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Theo Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, lãi suất hiện nay đã đạt đỉnh và ngân hàng sẽ cắt giảm lãi suất nhằm tập trung cho tăng trưởng, trong khi đảm bảo sức ép về tăng trưởng vẫn còn chứa đựng nhiều nguy cơ.

Các nhà phân tích kinh tế hy vọng đợt cắt giảm lãi suất mới sẽ diễn ra vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới. Theo một dự báo được đưa ra gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ chỉ đạt khoảng 6,9% trong quý I năm 2012.

Bên cạnh đó, để góp phần đối phó suy thoái, lĩnh vực gia công phần mềm của Ấn Độ đang ngắm nghía các thị trường mới nổi thay cho các quốc gia phát triển phương Tây. Bộ trưởng Công nghệ thông tin nước này, ông Kapil Sibal, ngày 14-2 phát biểu tại hội nghị IT với hơn 1.600 nhà hoạch định chính sách từ 25 nước, cho rằng các thị trường mới nổi nơi có đến một nửa dân số thế giới đang có nhu cầu rất cao về phần mềm IT. Hiện các doanh nghiệp IT nước này đã đặt chân đến các thị trường mới ở châu Phi, Mỹ Latinh, Nga, Trung Quốc.

Nhật Bản nhức đầu với giảm phát

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), cùng ngày cũng thông báo sẽ bơm 130 tỷ USD để đẩy lùi tình trạng giảm phát trong nước và tránh làm mất ổn định hơn nữa nền kinh tế toàn cầu. BOJ cho biết sẽ đẩy mạnh chương trình thu mua tài sản từ 10.000 tỷ yên (130 tỷ USD) đến khoảng 65.000 tỷ yên, một động thái có thể làm giảm giá đồng yên và thúc đẩy sự hồi phục của thị trường chứng khoán. Kế hoạch của BOJ sẽ tập trung vào mua các tài sản tài chính như trái phiếu chính phủ, hợp đồng thương mại từ các tổ chức tài chính tư nhân, giúp các ngân hàng có thêm tiền để cung cấp vốn vay cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, BOJ cũng lần đầu tiên thiết lập mức lạm phát. Theo đó, mục tiêu trong trung và dài hạn là 2% và 1% cho giai đoạn sắp tới. Đại diện BOJ cũng cho hay các ngân hàng sẽ thực hiện chính sách lãi suất gần như là 0%. BOJ tin tưởng rằng với các nỗ lực trên, Nhật Bản sẽ vượt qua giảm phát.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế Nhật Bản vẫn không tin tưởng các chính sách của BOJ. Các ý kiến hoài nghi được đưa ra sau khi các dữ liệu công bố ngày 13-2 cho biết tốc độ phát triển trong 3 tháng cuối năm 2011 tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến. Tốc độ tăng trưởng đã không đạt được kỳ vọng 2,3% do đồng yên tăng giá mạnh, tiêu thụ ở nước ngoài sụt giảm và trận lụt tại Thái Lan làm thiệt hại các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Nhật Bản.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo ngày 14-2 tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Trong cuộc gặp với các quan chức lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) tại Bắc Kinh cùng ngày, ông Ôn Gia Bảo đã một lần nữa khẳng định châu Âu là một đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, chính vì vậy, Bắc Kinh luôn muốn châu Âu ổn định và thịnh vượng. Hồi đầu tháng này, trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Ôn Gia Bảo đã phát biểu: “Giúp thị trường châu Âu ổn định thực chất là giúp chính bản thân Trung Quốc. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ các chính sách nhập khẩu và xuất khẩu ổn định”.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cũng đã cảnh báo vấn đề nợ công của châu Âu gia tăng sẽ tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc trong nửa đầu năm 2012.

Nguồn Báo SGGP Online