Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-EU

Ngày 14/2, Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 14 khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc). Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu José Manuel Barroso cùng chủ trì hội nghị.

Diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn tiếp diễn, Hội nghị lần này là cơ hội quan trọng để Trung Quốc và EU thảo luận các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ chiến lược song phương, cũng như việc đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công.

 
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy,
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu José Manuel Barroso sẽ cùng chủ trì hội nghị.

Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc- EU lần này vốn dĩ phải được tổ chức vào tháng 10/2011 tại Thiên Tân nhưng bị hoãn lại do EU lo đối phó với vấn đề nợ công Hy Lạp và một số nước khác khi đó.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại hội nghị, lãnh đạo hai bên sẽ thảo luận về tình hình kinh tế thế giới, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, xây dựng quan hệ kinh tế Trung Quốc- EU ngày càng chặt chẽ hơn trên cơ sở kết hợp chiến lược phát triển của mỗi bên, tăng cường đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, thương mại, tài chính, cùng nhau chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy đi lại giữa hai bên.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề nợ công châu Âu sẽ là chủ đề được bàn thảo chính tại hội nghị. Mặc dù là bạn hàng lớn nhất của EU và đang nắm giữ hơn 3.200 tỷ USD dự trữ ngoại hối, nhưng cho đến nay, Trung Quốc chưa đưa ra cam kết cụ thể nào để giúp EU.

Các chuyên gia hy vọng, tại hội nghị lần này, hai bên sẽ đạt được những bước tiến cụ thể, đặc biệt sau khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong buổi hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Bắc Kinh vào tuần trước đã cho biết, Trung Quốc đang cân nhắc tham gia sâu hơn vào các quỹ giải cứu khu vực đồng euro.

Ngoài vấn đề nợ công, các vấn đề “nóng” của quốc tế hiện nay như vấn đề hạt nhân Iran, Syria, hay các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên mà chưa được giải quyết như Trung Quốc muốn EU công nhận nước này là nền kinh tế thị trường đẩy đủ, dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí, hay EU muốn Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa, đối xử công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài… cũng sẽ được hai bên bàn thảo tại hội nghị.

Mặc dù còn tồn tại nhiều bất đồng, nhưng quan hệ Trung Quốc- EU trong thời gian qua không ngừng phát triển. Liên minh châu Âu hiện là bạn hàng lớn nhất và là khu vực xuất khẩu kỹ thuật cao quan trọng nhất của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của EU. Thống kê cho biết, bất chấp những khó khăn của kinh tế thế giới, kim ngạch thương mại hai bên năm 2011 đạt gần 570 tỷ USD, tăng 18,3%.

Nguồn Báo Hànộimới