Dân số ở độ tuổi lao động ở Trung Quốc đã ngừng tăng sau khi tăng liên tục trung bình 2,5% hàng năm trong suốt 3 thập kỷ qua và sẽ giảm 1% mỗi năm kể từ năm 2020. Vào năm 2050, trung bình cứ 100 người ở độ tuổi dưới 15 ở Nhật Bản thì có tới 339 người ở độ tuổi trên 65. Khoảng 38% dân số Xinhgapo sẽ ở độ tuổi trên 60 vào năm 2050.
Các cơ quan dự báo kinh tế và dân số của LHQ và châu Á cảnh báo dân số già đi sẽ trở thành vấn đề lưu tâm hàng đầu đối với châu Á chỉ trong vòng 5-10 năm tới. Quỹ lương hưu của Hàn Quốc sẽ tăng từ 660 tỷ USD năm 2011 lên 1.700 tỷ USD vào năm 2020. Tỷ lệ sinh ở các nước châu Á đang giảm nhanh cũng gây ảnh hưởng xấu tới khả năng tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Lực lượng lao động ở Nhật Bản giảm nhanh đã góp phần đẩy nước này vào hai thập kỷ cuộc suy giảm kinh tế và giá chứng khoán tụt dốc. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á cũng đã giảm liên tục từ 9,7% năm 2010 xuống 8,2% năm 2011 và dự báo sẽ là 7,8% năm 2012.
Các nhà kinh tế châu Á cũng cho rằng việc những người già tìm cách giảm rủi ro cho nguồn lương hưu của họ bằng cách mua các trái phiếu để đảm bảo an toàn hơn so với đầu tư phát triển kinh tế khiến các thị trường trái phiếu châu Á sôi động hơn và ít rủi ro hơn. Các công ty bảo hiểm lớn của châu Á nhấn mạnh dân số già đi với tốc độ đáng ngạc nhiên ở lục địa này có nguy cơ làm số tiền để duy trì sự giàu có lớn hơn số tiền đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nguy cơ này giải thích xu hướng nhu cầu mua trái phiếu chính phủ tăng nhanh so với mua cổ phiếu hoặc chứng khoán đồng thời số nợ của các thị trường mới nổi ở châu Á đã trở lại mức 63% trong vòng 5 năm qua cùng với số nợ của các chính phủ châu Á cũng tăng lên. Trong khi các chỉ số MSCI của châu Á- Thái Bình Dương trừ Nhật Bản đã tăng 17% trong cùng thời kỳ, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết nợ tồn đọng của các thị trường mới nổi ở châu Á năm 2011 cũng đã tăng 5,5% so với năm 2010 và đạt tới 5.500 tỷ USD vào tháng 9/2011, trong khi các dịch vụ quản lý tài sản của châu Á, trừ Nhật Bản, dự kiến sẽ tăng vọt từ 2.200 tỷ USD năm 2011 lên 4.000 tỷ USD năm 2012. Các công ty bảo hiểm châu Á buộc phải tìm kiếm lợi nhuận cao hơn trong khi phải vay nợ nhiều rủi ro hơn.