NGÂN HÀNG THẾ GIỚI:

Ngập lụt đô thị thách thức các nước đang phát triển ở Đông Á

Ngày 13-2, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo ngập lụt đô thị đang là một thách thức phát triển nghiêm trọng và ngày một gia tăng đối với các nước thu nhập thấp và trung bình có tốc độ phát triển nhanh ở Đông Á.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc cho biết trong tài liệu “Hướng dẫn quản lý tổng hợp rủi ro ngập lụt đô thị trong thế kỷ 21”, WB nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải xây dựng hệ thống quản lý nguy cơ lũ lụt gắn với quy hoạch thường xuyên của các đô thị để quản lý lũ lụt trong xã hội đô thị hóa mạnh với dân số ngày một tăng nhanh và xu hướng biến đổi khí hậu dài hạn. Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bà Pamêla Coóc (Pamela Cox) lưu ý rằng mở rộng đô thị thường dẫn tới hình thành các khu dân cư nghèo thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ đầy đủ, khiến những khu vực này dễ bị tổn thương do lũ lụt. Người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Nhưng quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng mở ra cơ hội để hành động đúng đắn ngay từ đầu để các đô thị có thể hỗ trợ phát triển bền vững, bảo vệ tính mạng và của cải cho người dân.

Theo tài liệu hướng dẫn của WB, giải pháp hiệu quả nhất để quản lý nguy cơ lũ lụt là áp dụng phương pháp tiếp cận tổng hợp, trong đó kết hợp cả hai biện pháp cấu trúc và phi cấu trúc, bao gồm: xây dựng hệ thống kênh thoát nước và dẫn lũ kết hợp "đô thị xanh" như đất ngập nước và vùng đệm môi trường xây dựng hệ thống cảnh báo lũ lụt và quy hoạch sử dụng đất để chống ngập lụt nhằm tạo được sự cân bằng hợp lý. Để thực hiện giải pháp tích hợp này cần phải có sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp khác nhau của chính phủ, các cơ quan thuộc khu vực công, các tổ chức xã hội dân sự, giáo dục và khu vực tư nhân, cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán của các cơ quan chính phủ cấp quốc gia và cấp địa phương. Hiện có nhiều công cụ giúp hiểu rõ hơn về nguy cơ và sự nguy hiểm của lũ lụt. Hệ thống dự báo lũ lụt qua website là một công cụ hiệu quả để phổ biến các dữ liệu khí tượng thuỷ văn cho người sử dụng. Xác định nguy cơ và tính dễ bị tổn thương có giá trị rất lớn trong việc phân bổ các nguồn lực một cách thích hợp để bảo vệ con người. Tài liệu của WB nhấn mạnh lũ lụt là hiện tượng thường xuyên nhất trong số tất cả các thảm họa tự nhiên. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cùng với Nam Á, là những khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương. Trong 30 năm qua, số lượng các trận lụt ở châu Á chiếm khoảng 40% tổng số trận lụt trên toàn thế giới. Hơn 90% tổng dân số toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt hiện đang sống ở châu Á. Các nước đang phát triển trong khu vực đang trong quá trình chuyển đổi sang xã hội phần lớn là đô thị, sự tập trung về người và tài sản đã làm cho việc khắc phục ngập lụt đô thị ngày càng trở nên tốn kém và khó quản lý.

Ngoài thiệt hại kinh tế trực tiếp, lũ lụt cũng gây ra hậu quả lâu dài kìm hãm phát triển như làm mất cơ hội giáo dục, gia tăng bệnh tật và giảm dinh dưỡng. Vì nguy cơ lũ lụt không thể được xóa bỏ hoàn toàn, việc lập kế hoạch cho một sự phục hồi nhanh chóng cũng là cần thiết, đồng thời sử dụng biện pháp tái xây dựng như là một cơ hội để xây dựng cộng đồng an toàn hơn và mạnh hơn, có khả năng chịu được ngập lụt tốt hơn trong tương lai. Những thảm họa quy mô lớn gần đây như thảm họa sóng thần và động đất ở Nhật Bản và lũ lụt ở Thái Lan nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cách tiếp cận mới để quản lý rủi ro thiên tai và lập kế hoạch cho khả năng phục hồi. Truyền thông cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng của người dân.