Đừng để thiệt thòi quyền lợi của người lao động !

Chuyện nợ các loại bảo hiểm theo quy định của pháp luật của các doanh nghiệp xem ra không phải là mới nhưng đến nay vẫn còn mang tính thời sự, bởi lẽ điều này lại có quan hệ thiết thân đến quyền lợi của người lao động.

(NTO) Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội tỉnh, trong năm 2011 đa số các đơn vị có sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt việc trích nộp 3 loại bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo quy định, góp phần tích cực cho việc hoàn thành số thu vượt mức 4,47% kế hoạch của toàn ngành BHXH tỉnh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít đơn vị sử dụng lao động còn nợ các loại bảo hiểm nói trên.

Việc nợ nần này không chỉ ở các doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh dây dưa kéo dài mà một số đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng… nợ. Mặc dù trong năm qua BHXH tỉnh đã tiến hành khởi kiện tại tòa án 6 doanh nghiệp có số nợ kéo dài để… thu nợ và đây được xem là “biện pháp” mạnh để khả dĩ có thể “dọa” các đơn vị khác nhưng xem ra cũng… không ăn thua! Cụ thể là tính đến hết năm 2011 toàn tỉnh còn có đến trên 11,83 tỷ đồng các đơn vị nợ BHXH, BHYT và BHTN, trong số này có đến 85 đơn vị có số nợ từ 6 tháng trở lên với tổng nợ trên 5,8 tỷ đồng! Có những đơn vị như Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Xây dựng Phú Mỹ số nợ lên đến trên 319,3 triệu đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chí Khoa nợ trên 198 triệu đồng; Công ty Cổ phần Phan Rang Thành nợ trên 220 triệu đồng; Công ty TNHH Vận tải Lộc Phát nợ trên 321,8 triệu đồng… Riêng Công ty Cổ phần Giao thông Ninh Thuận nợ đến 59 tháng với tổng nợ trên 1,28 tỷ đồng!

Điều cũng đáng quan tâm là doanh nghiệp “cố tình quên” đóng 3 loại bảo hiểm nói trên nhưng lại “không quên” trong việc trích lương của người lao động về 3 loại bảo hiểm khi đến kỳ trả lương. Chính vì điều này dẫn đến “cớ sự” tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động khi nghỉ việc trong khi họ vẫn nghĩ là các khoản bảo hiểm đã luôn đóng đủ cho BHXH! Và qua tranh chấp thường thiệt thòi luôn ở người lao động.

Trước thực tế đã nêu vấn đề đặt ra là BHXH tỉnh cần phối hợp với các ngành chức năng “mạnh tay” hơn đối với các đơn vị cố tình “phớt lờ” các loại bảo hiểm bắt buộc. Mặt khác, ngành BHXH cũng thường xuyên công khai các đơn vị nợ để người lao động biết, qua đó có hướng xử sự đúng pháp luật. Không những vậy tổ chức công đoàn cũng cần có biện pháp để bảo vệ quyền lợi người lao động tại các đơn vị nợ bảo hiểm dây dưa.