Thuận Nam: Đầu xuân trúng cá cơm sọc trắng

Sau rằm tháng giêng, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân hai xã Phước Diêm và Cà Ná (Thuận Nam) đã ra khơi đánh bắt hải sản đầu năm. Ngay trong những chuyến biển ra khơi đầu tiên, ngư dân địa phương trúng luồng cá cơm nổi xuất hiện dày tại ngư trường Ninh Thuận, Bình Thuận. Báo hiệu một mùa bội thu khai thác, đánh bắt hải sản

(NTO) Có mặt tại cảng cá Cà Ná, chúng tôi ghi lại được không khí vui như mở hội của người dân nơi đây. Ghe, thuyền tấp nập ra vào cảng. Trên cầu, bờ cảng, người và các phương tiện như ô tô, xe 3 bánh… nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Bén, một “chủ nậu” thu mua hải sản ở cảng Cà Ná, vừa thu mua cá, vừa cười trả lời: “Lâu lắm rồi mới có đợt cá cơm trúng lớn như thế này. Không riêng gì tôi, các chủ lò cá hấp trong tỉnh đổ về đây thu mua. Hôm qua, tôi mua được gần 1.000 giỏ cá, gần 20 chục tấn đủ làm cho cả tháng”.

“Bạn thuyền” tàu NT-TS 00146 đang vận chuyển cá cơm vừa được đánh bắt lên bờ.

Ngư dân Lê Văn Mai, thôn Lạc Sơn, xã Cà Ná chủ tàu NT-TS 90146 cho biết: “Nhà tôi có 2 tàu, trong 2 ngày 7, 8-2, tôi đi 4 lượt, tổng cộng đánh bắt được 1.000 giỏ cá cơn. Bán sỉ tại cảng được gần 100 triệu đồng. Chi phí xăng dầu hết 20 triệu đồng, chia bạn 40 triệu đồng, còn lãi 40 triệu đồng”. Trong khi đó, anh Tô Hướng Nam, tài phụ ghe NT-TS 90611 đứng bên cạnh nói sang: “Hầu hết các chuyến ghe xuất bến đợt này đều trúng lớn. Ghe trúng, những người đi bạn như chúng tôi cũng trúng. Trong 2 ngày, tiền phụ lái và đi bạn được chủ ghe chia cho tôi gần 10 triệu đồng. Có tiền trang trải cho gia đình, bõ công cả mấy tháng nằm bờ”.

Cá cơm được vận chuyển lên xe về các lò cá hấp

Không riêng ghì ngư dân trúng cá, mà cả những người dân sống tại các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Ninh và cảng Cà Ná cũng “trúng”. Chị Trần Thị Hải, thôn Lạc Sơn, xã Cà Ná cho hay: "Nhà không có ghe nên chồng tôi đi bạn với mấy anh trong làng. Tôi ở nhà làm thuê cho chủ lò hấp cá. Cả mấy tháng nay không có cá, nghỉ làm. Ai ngờ, đầu năm cá trúng nhiều, chủ lò cá hấp kêu làm, mỗi ngày tiền công được 100.000 đồng đủ để chi phí sinh hoạt trong ngày". Không riêng gì chị Hải, mà 2 đứa con gái lớn của chị, đi học một buổi, một buổi tranh thủ theo mẹ ra lò phân loại cá. Công việc của các em nhẹ nhàng hơn: phơi cá, tách đầu cá ra khỏi thân. Thân cá phơi khô được các đại lý đến tận nơi thu mua. Đầu cá và những con cá vụn được bán làm thức ăn chăn nuôi cho lợn. Trung bình mỗi buổi làm việc chăm chỉ mỗi em cũng kiếm được 40-50.000 đồng. Bởi vậy, rất nhiều học sinh theo mẹ ra đây làm thêm kiếm tiền, phụ giúp gia đình. Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, chạy xe 3 bánh cho biết: “Được ngày nào cũng giống như hôm nay thi đỡ biết mấy, hết chủ lò này kêu chở, đến chủ lò khác gọi. Mỗi ngày trừ xăng dầu cũng kiếm được gần 500.000 đồng”

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Hải, Trưởng cảng Cá Ná cho biết: Trong 2 ngày 7 và 8-2 đã có gần 150 lượt ghe ra khơi đánh bắt cá cơm, tất cả các ghe đều trúng lớn và có gần 150 lượt ghe thuyền đã cập cảng Cà Ná với tổng sản lượng cá cơm khai thác khoảng 640 tấn. Với sản lượng khai thác từ 100 – 500 giỏ cá/ghe, tương đương từ 2 - 8 tấn, giá bán trung bình 12.000 đồng/kg, ngư dân có lãi từ 18 – 72 triệu đồng/ chuyến biển, cá biệt có ghe trúng trên 100 triệu đồng/chuyến. Trong đợt này, tại cảng có 440 ghe hoạt động khai thác bằng nghề pha xúc, trong đó trừ 100 ghe, thuyền nằm bờ (do không có lao động) còn lại các ghe đều trúng lớn vụ cá cơm đầu năm.

Đợt cá cơm lần này đều là cá cơm có sọc trắng, bình thường các năm trước đều là cá cơm sọc đen. Cá cơm đầy khoang đưa lên bờ được các chủ lò hấp trong vùng thu mua hết. Chỉ đến khoảng 8 giờ sáng, cá được vận chuyển lên ô tô, ba gác đưa về các chủ lò hấp tại các xã Cà Ná, Phước Diêm, Phước Ninh (Phước Nam), Thanh Hải (Ninh Hải)… bắt đầu một hành trình mới. Tại đây cá được hấp chín rồi mang ra phơi hoặc được bán cho các chủ lò nước mắm. Cá được cho vào lò hấp chín mang ra bãi đất trống đầu làng để phơi khô và được lấy đầu. Gặp thời tiết nắng ráo chỉ cần mất 1 ngày là cá khô đóng vào bì và được các thương lái đến thu mua tại chỗ. Cá cơm nếu bán sỉ có giá từ 40-45.000 đồng/kg, riêng bán lẻ với giá 50.000 đồng/kg. Theo người dân địa phương, cá cơm được hấp phơi nửa nắng (phơi khoảng 1 buổi) đem về nấu ăn rất ngon.

Theo lão ngư Nguyễn Văn Bảy, thôn Lạc Sơn cho biết: “lâu lắm rồi mới có đợt cá cơm sọc trắng đi vào biển Ninh Thuận, Bình Thuận nhiều như vậy. Theo kinh nghiệm của tôi, năm nay ngư dân sẽ trúng cá. Đó cũng là chia sẻ của “chủ Nậu” Nguyễn Thị Bén. Theo bà Bén, cứ đầu năm âm lịch, đánh bắt được nhiều cá cơm, nhất là cá cơm sọc trắng, năm đó ngư dân được mùa, mà ngư dân được mùa, thì người thu mua được mùa; những người sống ven cảng, biển cũng được mùa!. Sau hơn 3 tháng nằm bờ do thời tiết không thuận lợi, đây là chuyến biển đầu tiên của ngư dân các xã Phước Diêm, Cà Ná. Thắng lợi đầu xuân này đã tạo khí thế vui tươi, phấn khởi cho ngư dân các địa phương ven biển trong tỉnh tiếp tục vươn khơi bám biển.