Sữa lại tăng giá - Làm khó người tiêu dùng

Như tin đã đưa, Công ty Friesland Campina Việt Nam (FCV) vừa thông báo sẽ tăng 5% giá một số mặt hàng sữa nước và sữa đặc có đường nhãn hiệu Dutch Lady, từ ngày 13-2. Tương tự FCV, sau 1 năm “gồng mình” kiềm giá vì người tiêu dùng cả nước, Vinamilk cũng đã tăng 5%- 7% giá bán một số loại sản phẩm, từ ngày 23-1.

Công khai và... âm thầm tăng giá

Theo 2 doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu Việt Nam này, nguyên nhân của đợt tăng giá lần này là do giá nguyên liệu sữa đã tăng hơn 20%; các loại nguyên vật liệu tăng 40%-60%; chi phí điện, nước, vận chuyển, xăng dầu, nhân công cũng tăng 10%-15% so với cùng kỳ, buộc họ điều chỉnh giá bán để bù đắp một phần chi phí sản xuất. Cũng vì những nguyên nhân tương tự, Công ty TNHH Fonterra Brands Việt Nam phải tăng 5%-10% giá sản phẩm sữa Anlene bột, Anlene đậm đặc, Anmum Materna từ ngày 13-2.

Nhiều nhãn hiệu sữa lại tăng giá. Ảnh: Thanh Tâm

Bên cạnh đó, có lẽ ngại dư luận, một số doanh nghiệp như Công ty CP Thương mại Dịch vụ quận 3, đơn vị phân phối độc quyền nhãn hàng sữa Nestle, không công bố rộng rãi mà âm thầm… điều chỉnh giá. Ngày 1-12-2011, công ty này đã gửi bảng báo giá mới cho hơn 20 mặt hàng thuộc nhóm Lactogen, Nestle gấu… Vấn đề là, đơn vị này không hề công bố mức tăng mà chỉ để giá mới của sản phẩm nên nếu không để ý, người tiêu dùng khó biết giá sản phẩm được tăng bao nhiêu (!).

Tăng giá chưa hợp lý

Ông Nguyễn Mười, chủ cửa hàng sữa Nguyễn Mười, số 1 Nguyễn Thông TPHCM, cho rằng, việc tăng giá một số nhãn sữa lần này chưa hợp lý và sẽ làm khó người tiêu dùng, nhất là đối với những sản phẩm đặc dụng, như Enlene dành cho phụ nữ loãng xương và thai phụ. Từ năm ngoái đến nay, nhãn sữa này đã có 3 lần nâng giá và mỗi lần tăng 7%- 9%, ảnh hưởng không nhỏ đến mức chi tiêu của người tiêu dùng. Trong khi đó, theo ông Mười, nhãn sữa có mặt bằng giá “phản cảm” nhất hiện nay là Abbott, dù chưa công bố giá mới. Dù ngất ngưỡng ở mức giá cao (một số sản phẩm có giá 1 triệu đồng/hộp), nhưng bình quân mỗi năm Abbott nâng giá 3 lần và mỗi lần tăng 7%- 20%. Đơn cử, giữa năm 2010, giá sữa bột dành cho bệnh nhân bị tiểu đường Glucerna khoảng 200.000 đồng/hộp nhưng nay vọt lên khoảng 300.000 đồng/hộp.

Nói chung, dù có tăng tiếp hay không, mặt bằng giá sữa của chúng ta vẫn cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20%-30%. Một số nhãn sữa như Ensure, Pediasure, Similac của Abbott; Friso của FCV, Enfa của Mead Jonhnson, do chiếm thị phần cao, nên việc giá tăng vài đợt trong năm, nếu có, không ảnh hưởng gì nhiều đến hầu bao của các gia đình có thu nhập cao, nhưng sẽ gây khó khăn cho những gia đình thu nhập trung bình khác. Nhiều khách hàng cho biết, trẻ con không thể không uống sữa nên việc các hãng sữa sử dụng “điệp khúc” tăng chi phí- giảm doanh thu để viện lý do tăng giá như hiện nay, là một biểu hiện gián tiếp của việc ép người tiêu dùng trong thời điểm nền kinh tế đang khó khăn hiện nay.

Nguồn Báo SGGP Online