Diện mạo mới ở vùng quê Nhị Hà

Về xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam trong những ngày đầu xuân Nhâm Thìn 2012, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất này. Đi trên con đường liên xã gần 10 km nối liền giữa xã Phước Hữu - Nhị Hà, hai bên đường, những ngôi nhà ngói đỏ khang trang còn thơm mùi sơn mới cho thấy cuộc sống của người dân nơi đây ngày một phát triển.

(NTO) Xã Nhị Hà hiện có 1090 hộ, với trên 4.100 nhân khẩu, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu bằng nghề nông, nên những năm trước đây cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Đứng trước những thực tế trên, cấp uỷ, chính quyền xã Nhị Hà xác định rõ, để thực hiện thắng lợi công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở địa phương phải dựa vào nội lực của nhân dân để tạo nên một sự đột phá về kinh tế trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Với chủ trương đó, những năm qua, chính quyền xã đã tích cực vận động nhân dân ra sức mở rộng diện tích canh tác, từng bước từ bỏ những tập quán sản xuất lạc hậu, tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, khơi dậy tiềm năng và điều kiện sẵn có để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân. Đặc biệt, từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng hồ thủy lợi Tân Giang thì người dân xã Nhị Hà đã tiến hành chuyển đổi hàng chục hécta lúa 1 vụ sang sản xuất lúa 2 vụ/năm cho năng suất cao. Chỉ tính riêng trong năm 2011, xã Nhị Hà đã chuyển đổi sang trồng lúa nước với diện tích 800 ha, đạt 127% kế hoạch, năng suất bình quân đạt 60tạ/ha, sản lượng 3667 tấn, đưa diện tích gieo trồng hàng năm của địa phương lên 1178ha, đạt 100,7% kế hoạch. Bên cạnh đó, người dân còn trồng thêm các loại cây trồng mới như mít, trôm, bước đầu đạt được kết quả khả quan.

Nông dân xã Nhị Hà chăm sóc cây bắp vụ đông - xuân.

Cùng với tập trung phát triển các loại cây trồng, trong lĩnh vực chăn nuôi, xã Nhị Hà đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó và thực hiện nghiêm công tác phòng ngừa dịch bệnh vật nuôi. Đàn heo của xã có 1100 con, một số gia đình thực hiện chăn nuôi gia cầm như gà, vịt cũng góp phần không nhỏ trong việc tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Đồng chí Nguyễn Trần Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tuy là xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng điều đáng mừng là trong 5 năm trở lại đây, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, cán bộ và nhân dân xã Nhị Hà không ngừng phát huy nội lực, đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và đã có bước tiến dài về nhiều mặt”. Nếu như trước đây cả xã chỉ có vài ngôi nhà xây thì nay trên 50% số hộ dân trong xã đã có nhà xây kiên cố; 100% nhà dân đều đã được ngói hoá, có xe máy và nhiều phương tiện hiện đại khác, góp phần đưa hộ nghèo, cận nghèo giảm 1,8% so với cùng kỳ, đưa tỉ lệ thoát nghèo lên gần 70% . Đặc biệt, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong những năm gần đây, hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt… được phát triển. Địa phương đã tổ chức san lấp mặt bằng, dặm vá ổ gà đường liên thôn, xây dựng các tuyến giao thông nông thôn thông thoáng, an toàn, thuận tiện cho bà con mở rộng phạm vi kinh doanh, buôn bán. Thực hiện chủ trương của tỉnh trong việc thực hiện xoá nhà tạm cho hộ gia đình chính sách và hộ nghèo, từ năm 2001 đến nay toàn xã đã xây dựng được nhiều ngôi nhà mới, để người dân yên tâm tập trung vào lao động. Công tác giáo dục cũng phát triển khá mạnh, hầu hết trẻ đến tuổi đều được đi học. Ý thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe ngày càng nâng cao, tự nguyện thực hiện KHHGĐ để có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể nói, từ chủ trương, chính sách xoá đói giảm nghèo của tỉnh, sự phát huy thế mạnh của địa phương và nội lực của nhân dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi là một hướng đi đúng đắn, hợp với lòng dân, góp phần xoá đói, giảm nghèo, làm thay đổi cơ bản bộ mặt của vùng nông thôn Nhị Hà.