Kiềm chế tăng giá - Dấu hiệu khả quan từ tháng khởi đầu

Tháng 1-2012 cũng là tháng nhân dân cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng đón Tết cổ truyền Nhâm Thìn. Tuy Tết Nguyên đán đến sớm hơn mọi năm nhưng điều đáng mừng là giá cả nhiều loại hàng hóa vẫn giữ mức ổn định nên đã tạo thêm điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là những người nghèo, người làm công thu nhập thấp…vui Tết khá đầy đủ.

(NTO) Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01-2012 tăng 1,14% so với tháng 12 năm 2011 (khu vực thành thị tăng 1,12%, khu vực nông thôn tăng 1,16%). Trong đó chỉ số nhóm hàng hoá tăng 0,94% và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 1,66%. So với cùng kỳ CPI tăng 19,38%.

Người tiêu dùng mua hàng tại Siêu thị Co.op Mart Thanh Hà. Ảnh: Văn Miên

Nguyên nhân chỉ số tháng này tăng là do tháng Tết nên thị trường hàng hóa, dịch vụ sôi động hơn tháng trước và tăng chủ yếu là giá các mặt hàng đồ uống, may mặc và các loại dịch vụ. Trong “rổ” các nhóm hàng hóa thiết yếu chung có thể nói giá cả mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối ổn định, cụ thể là chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,18%, mức tăng này thấp hơn mức tăng cùng tháng của những năm trước là do lương thực giảm. So với tháng trước giá lương thực giảm 4,01% do giá gạo giảm vì nguồn cung dồi dào kèm theo nhu cầu xuất khẩu giảm làm giá gạo giảm 5,1%; thực phẩm tăng 0,93% chủ yếu ở các nhóm hàng thịt gia súc tăng 1,20%; thịt gia cầm tăng 2,73%; giá thủy sản tươi sống tăn 1,17%; thủy sản chế biến tăng 1,86%. Do nhu cầu sắm tết mạnh nên các mặt hàng bánh, mứt, kẹo tăng 1,43%, giá các mặt hàng cà phê, chè, ca cao tăng 5,71% so với tháng trước. Ăn uống ngoài gia đình tăng 2,16% chủ yếu là phở, cơm bình dân tăng, tuy nhiên, vẫn thấp hơn so chỉ số tăng 2,73% của tháng trước. Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,72% chủ yếu là rượu, bia các loại tăng. Chỉ số nhóm mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép tăng đến 4,07%, cao hơn 4% so với tháng 12 năm trước. Đây cũng là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm mặt hàng thiết yếu do nhu cầu mua sắm các sản phẩm may mặc và giầy dép để đi chơi xuân làm tăng giá các mặt hàng này nhất là đối với các loại quần áo may sẵn (tăng 7,04%), dịch vụ may mặc (tăng 1,71%). Chỉ số nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,80% chủ yếu do điều chỉnh giá điện tăng 5%... Chỉ số nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,45% chủ yếu giá đồ dùng trong nhà tăng 2,34% do nhu cầu tăng, dịch vụ trong gia đình tăng 18,63%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,83% chủ yếu là thuốc kháng sinh và dịch vụ y tế tăng; chỉ số nhóm giao thông tăng 0,42%; chỉ số nhóm giáo dục tăng 0,12%; chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,29%. Riêng nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,28%. So với tháng 12-2011 giá vàng giảm 3,43% và giá đô la Mỹ tăng nhẹ và ở mức 0,20%.

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, CHỈ SỐ GIÁ VÀNG VÀ ĐÔ LA MỸ TOÀN TỈNH,
THÁNG 01/2012. ( ĐƠN VỊ TÍNH: %)

Những kết quả nêu trên cho thấy sự nỗ lực và hành động quyết liệt của tỉnh trong thực hiện kiềm chế tăng giá từ việc chỉ đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối hàng hoá, điều hoà cung cầu, không để xảy ra mất cân đối cung, cầu giữa các vùng, địa phư­ơng trên địa bàn tỉnh, nhất là các hàng hoá thiết yếu... đến chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia bình ổn giá, mở rộng mạng l­ưới, tăng điểm bán hàng, giảm tối đa khâu trung gian; tích cực đư­a hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; thực hiện các ch­ương trình khuyến mại, giảm giá nhằm giảm áp lực tăng giá hàng hoá... phục vụ nhu cầu mua sắm, vui xuân của các tầng lớp dân c­ư trong dịp Tết Nguyên đán.