Đầu tư từ Nhật vào Việt Nam lên cao kỷ lục

Năm 2011, khoảng 208 công ty Nhật đã đầu tư vào Việt Nam với kế hoạch rót khoảng 1,8 tỷ USD vào Việt Nam.

Số lượng lớn kỷ lục các doanh nghiệp từ Nhật đang đổ xô đến Việt Nam để tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ cũng như thị trường đang tăng trưởng nhanh.

Ông Shinya Nakao, quản lý của nhà hàng Izakaya Yancha (một chuỗi nhà hàng Nhật, kinh doanh rất tốt tại Việt Nam), cho biết: “Chúng tôi cho rằng sẽ còn nhiều công ty Nhật muốn đầu tư vào Việt Nam vì vậy chúng tôi đang mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.”

Toyota đầu tư hiệu quả tại Việt Nam nhiều năm qua

Hiện, làn sóng đầu tư của Nhật vào Việt Nam đang được chào đón nồng nhiệt ở Việt Nam, mặc dù trong khi tình hình kinh tế vĩ mô có khi khiến nhà đầu tư nước ngoài băn khăn.

Năm 2011, khoảng 208 công ty Nhật đã đầu tư vào Việt Nam, con số cao kỷ lục. Họ có kế hoạch rót khoảng 1,8 tỷ USD vào Việt Nam. Năm 2010, khoảng 114 công ty Nhật đến Việt Nam và cam kết đầu tư 2 tỷ USD.

Dù Nhật đứng sau Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore xét về vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam, nhưng Nhật đứng đầu về tỷ lệ vốn được đầu tư thực tế (theo số liệu của cơ quan xúc tiến thương mại Nhật tại Việt Nam – Jetro).

Người Nhật đầu tư mạnh vào Việt Nam một phần bởi đồng Yen mạnh và còn bởi chính sách khuyến khích của chính phủ Nhật để giúp các công ty bớt khó khăn với tăng trưởng kém và dân số già tại Nhật.

Ông Tony Foster, CEO của công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer tại Việt Nam, khẳng định, các công ty Nhật đã nhiệt tình đầu tư hơn từ sau trận động đất và sóng thần tác động xấu đến Nhật vào tháng 3/2011. Ông Fosster, người tư vấn cho Mizuho trong thương vụ Vietcombank, khẳng định: Các công ty Nhật đang nhận ra họ sẽ không tồn tại nếu chỉ ở Nhật. Chính phủ Nhật hỗ trợ doanh nghiệp vào Việt Nam vì nhiều lý do.”

Một số công ty chuyên sản xuất hàng xuất khẩu như Bridgestone, hãng sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới, và tập đoàn sản xuất hàng điện tử Panasonic đang mở nhà máy tại Việt Nam để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ. Thực tế, sử dụng lao động phổ thông tại Việt Nam, các doanh nghiệp chỉ phải trả mức lương bằng 1/3 hoặc 1/2 so với con số 300 USD mà lao động khu vực miền Nam Trung Quốc đòi hỏi.

Một giám đốc điều hành công ty lớn của Nhật tại Việt Nam khẳng định, công ty Nhật đánh giá cao sự ổn định chính trị tại Việt Nam. Dù căng thẳng xã hội và lương tăng khá cao tại Việt Nam, nhưng nhiều công ty như Tamron, sản xuất thấu kính cho nhiều thương hiệu máy ảnh hàng đầu thế giới, không nản lòng. Tamron có kế hoạch đầu tư khoảng 13 triệu USD xây một nhà máy gần Hà Nội với tổng số lao động khoảng 2.000 người.

Giống nhiều công ty sản xuất khác, Tamron sẽ lắp máy phát điện để tự bảo vệ sản xuất khỏi tình trạng bị cắt điện. Tuy nhiên giới điều hành của nhiều công ty Nhật cho biết họ dám chịu nhiều thách thức hơn các công ty phương Tây để tham gia thị trường lâu dài./.

Nguồn VOV Online