(NTO) Tuy nhiên sau Tết, hoạt động của các tàu thuyền công suất lớn đã chững lại. Vào những ngày mùng 2, mùng 4 và mùng 6 Tết, các tàu cá trong tỉnh đã xuất bến khởi động mùa sản xuất đầu xuân mới nhưng do thời tiết quá xấu (biển động, gió lớn) nên hầu hết đi chưa xa đã phải quay về. Anh Nguyễn Phi, một thuyền viên trên chiếc tàu cá 250 CV đang neo đậu tại cảng cá Đông Hải cho biết: “Tàu đi trong dịp Tết là đi lấy ngày chứ chưa khai thác gì được, phải đợi khi nào trời êm, biển lặng, các chủ tàu mới chính thức ra quân. Những ngày vừa qua, đài dự báo thời tiết đang tốt dần nên tôi nghĩ ngày ra quân cũng chỉ nay mai thôi”. Ngược lại, như mọi năm ngay trong những ngày cuối tháng Chạp cận tết và những ngày mùng 1, 2, 3 Tết, các tàu cá nhỏ dưới 20 CV và các thuyền thúng đánh bắt gần bờ trong tỉnh ta vẫn hành nghề bình thường, kể cả trong thời tiết xấu như hiện nay. Ông Phạm Lãng, ngư dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) chia sẻ: “Mấy ngày này các tàu lớn đều nằm bờ đợi thời tiết tốt mới đi xa, còn các ghe xuồng nhỏ vẫn hoạt động đều đặn. Tôi làm nghề lưới mành gần bờ nên ngày nào cũng đi đánh bắt”. Chỉ tính từ 22-1 đến 30-1 (28 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng), các tàu nhỏ đánh bắt gần bờ hành nghề lưới giã, mành tôm từ Đông Hải trở ra Vĩnh Hy (Vĩnh Hải, Ninh Hải) đã khai thác đạt sản lượng 12.000 con tôm hùm con.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.579 tàu cá, với tổng công suất 194.408 CV, riêng tàu cá từ 90 CV trở lên
đã chiếm khoảng 25% số tàu thuyền và 70% tổng công suất. Trong ảnh: Ngư dân xã Cà Ná,
huyện Thuận Nam ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Huy Thiện
Trở lại hoạt động đánh bắt của các tàu lớn dịp trước Tết, theo anh Lê Hồng Phong, Trưởng phòng Quản lý khai thác nguồn lợi và Môi trường thủy sản (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh), cá đánh bắt trong đợt trước tết chủ yếu là cá ngừ và một số ít cá thu, cá cờ, vốn là các loại cá thường xuất hiện ở vùng biển sâu. Ngoài các nghề câu, lưới mành đánh bắt được mực, đã có trên 10 tàu công suất lớn hành nghề lưới cản ở phường Mỹ Đông ra khu vực khơi dàn khoan DK1 hoạt động và khai thác đạt sản lượng trung bình 10 tấn cá/tàu. Nếu căn cứ vào kết quả trên, có thể thấy rằng nghề khai thác biển xa đang nâng dần hiệu quả. Điều này cũng chứng thực qua sản lượng khai thác hải sản năm qua, không chỉ vượt 5% kế hoạch năm mà cái chính là cơ cấu sản phẩm chuyển dịch theo hướng tích cực đã tăng lên. Trong sản lượng đạt 55.900 tấn, có: 54.223 tấn cá, 1.085 tấn mực, 234 tấn tôm và 358 tấn hải sản khác. Tôm, mực và cá có giá trị kinh tế cao ngày càng khai thác nhiều và sản lượng đánh bắt xa bờ luôn chiếm tỷ lệ gần 3/4. Nói cách khác, vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày trên biển vẫn là xu hướng tất yếu để phát triển nghề cá.
Ra khơi. Ảnh: Văn Thanh
Tìm hiểu về sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm khai thác hải sản theo hướng tích cực, chúng tôi được biết trước hết là nhờ sự phát triển của năng lực tàu cá trong tỉnh. Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, hiện nay toàn tỉnh đã có 2.579 tàu cá với tổng công suất 194.408 CV, riêng tàu cá từ 90 CV trở lên đã chiếm khoảng 25% số tàu thuyền và 70% tổng công suất. So với đầu năm, năng lực tàu cá toàn tỉnh đã có thêm 29 chiếc (8.473 CV) đóng mới và 33 chiếc (3.014 CV) mua ngoài tỉnh đưa về. Cùng với yếu tố cơ cấu tàu cá đang chuyển dịch theo hướng ngày càng tăng thêm năng lực đánh bắt xa bờ, đáng chú ý còn có yếu tố thay đổi dần nhận thức, tư duy hoạt động khai thác đánh bắt của ngư dân. Hầu hết các chủ phương tiện có công suất máy từ 50 CV trở lên đều trang bị đầy đủ các trang thiết bị như: Máy tầm ngư, máy định vị, máy thông tin liên lạc vô tuyến điện, máy thu lưới vây rút chì, máy thu lưới cản, hệ thống tời cảo. Đây chính là cơ sở để ngành khai thác hải sản tỉnh ta đặt mục tiêu năm 2012 phấn đấu đạt sản lượng 57.000 tấn và đảm bảo 100% tàu cá trong tỉnh đều được trang bị an toàn trước khi ra biển.
Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển năng lực mới của nghề cá, đồng chí Bùi Thị Anh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: “Nghề cá tỉnh ta muốn phát triển không thể cứ loanh quanh đánh bắt gần bờ, trong xu thế mới và trước thực trạng nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt dần, ngư dân chúng ta không còn lựa chọn nào khác là phải đóng thuyền to, tàu lớn để vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày, vừa làm giàu cho bản thân, vừa góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc”. Định hướng đó đang là động lực thúc đẩy hoạt động khai thác hải sản của tỉnh ta đột phá vươn lên.
Bạch Thương