Từ lâu các thầy thuốc y học cổ truyền và dân gian đã thấy rằng: tứ mùa ăn gừng có thể phòng được bách bệnh, hay như tục ngữ có câu: “mùa đông ăn củ cải, mùa hạ ăn gừng sẽ không phiền thầy thuốc kê đơn” thực tế gừng không thể chữa được bách bệnh nhưng nó vừa là gia vị không thể thiếu trong cuộc sống vừa là vị thuốc rất tốt chữa các bệnh như cảm mạo, nôn, đầy bụng, đi ngoài lỏng, chân tay lạnh tê bì…
Ảnh minh họa.
Theo y học cổ truyền, gừng tươi được gọi là sinh khương; gừng khô gọi là can khương; gừng nướng gọi là ổi khương; vỏ gừng gọi là bào khương. Sinh khương có mùi thơm, vị cay tính hơi ấm, vào kinh phế, tỳ vị. Tác dụng tán hàn, phát hãn, giải biểu, ôn trung, chỉ ẩu, hoá đàm, ôn phế, chỉ khái, giải độc, được mệnh danh là thánh dược chỉ ẩu. Thường xuyên ăn gừng có thể chống được bách tà; sinh khương còn có tác dụng điều tiết nhiệt độ cơ thể, mùa đông sinh khương làm ôn ấm huyết dịch làm nhiệt độ cơ thể tăng lên, giúp cơ thể đỡ lạnh; mùa hè sinh khương kích thích lỗ chân lông tán nhiệt, làm hạ nhiệt độ cơ thể xuống khiến cơ thể không sợ nóng.
Phụ nữ trong thời kỳ hành kinh hoặc sau đẻ đều cần gừng để điều hoà nhiệt độ cơ thể; phụ nữ sau đẻ nên cho chút gừng vào thức ăn về sau cơ thể không sợ lạnh, tốt cho đường tiêu hoá. Can khương tân ôn tác dụng hồi dương thông mạch, ôn tỳ hàn. Ổi khương khổ ấm tác dụng ôn tràng vị, ôn huyết phận. Bào khương tính tân lương có tác dụng điều trị phù thũng; phối hợp với tang bạch bì, đông qua bì... điều trị thủy thủng, tiểu ít.
Một số cách dùng gừng chữa bệnh
- Cảm lạnh phong hàn nhẹ (biểu hiện sợ lạnh, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi trong): 3-4 lát gừng tươi, thêm ít đường uống nóng, ngày uống 3- 4 lần. Sinh khương có tác dụng phát hãn nhẹ nên nếu mồ hôi ra ít thì phối hợp với ma hoàng, quế chi.
- Nôn: Sinh khương là vị thuốc chủ yếu trong điều trị chứng nôn do vị hàn hoặc phụ nữ có thai. Nếu do vị nhiệt gây nôn có thể dùng kèm bán hạ chế; hoàng liên.
- Giải độc: Sinh khương, tử tô giúp giải độc, dị ứng cua. Sinh khương giảm độc tính của bán hạ, hậu phác.
- Hoá đờm, chỉ khái: Gừng, đường (lượng bằng 1/2 gừng) đun nước sắc uống từ từ ít một, gừng có tác dụng ôn phế hoá đờm, chỉ khái, đường có tác dụng nhuận phế. Dùng cho trường hợp ho có đờm lâu ngày do hư hàn.
- Làm cho ra mồ hôi: 30g tử tô, 9g sinh khương: nấu nước uống tác dụng ra mồ hôi, tán hàn.
- Trị gàu, rụng tóc: Thường xuyên gội đầu có pha chút gừng có tác dụng trừ gàu, giảm rụng tóc.
- Khử mùi hôi, tanh: Xát vài lát gừng vài lần vào nách, bàn chân làm giảm mùi hôi nách, hôi chân. Khử mùi tanh, hôi của thức ăn như khi làm thịt ngan, vịt , cá: xát gừng vào làm giảm mùi tanh, hôi.
- Giải rượu: Nước gừng làm giảm triệu chứng đau đầu, váng đầu do rượu.
- Chữa đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn: Gừng, hồng táo đun nước uống ngày 2 lần có tác dụng khai vị.
- Chữa chứng vị nhiệt: Miệng hôi, răng lợi sưng đau, loét, ngứa đau họng: đun nước gừng uống các triệu chứng dần sẽ đỡ.
Lưu ý: Gừng có tính tân ôn nên không hợp dùng lượng nhiều, dùng dài ngày nhất là mùa thu vì nó có thể tổn thương phế khí.
Nguồn Báo Hànộimới