Theo kết quả của cuộc khảo sát xu hướng du lịch toàn cầu được Công ty Công nghệ thanh toán toàn cầu (VISA) công bố mới đây, phong cảnh thiên nhiên và các gói khuyến mãi hấp dẫn cũng như tình hình chính trị ổn định được coi là những ưu điểm chính của du lịch Việt Nam.
Thiện cảm với ẩm thực và văn hóa Việt
Để giúp ngành du lịch Việt Nam có được cái nhìn tổng quan về nhu cầu và xu hướng của du khách trên thế giới, VISA đã tiến hành khảo sát 11.620 du khách đến từ 23 quốc gia thuộc các châu lục về địa điểm dự định và sở thích du lịch của họ trong những năm tới. Kết quả, hầu hết du khách có kế hoạch đến Việt Nam đều tỏ ra rất hào hứng với điểm đến đầy hấp dẫn ở Châu Á này. Thậm chí có tới 64% người được hỏi cho rằng, họ sẵn sàng chi khoản tiền cao hơn để được thưởng thức những món ẩm thực của các vùng miền và 63% thích tham quan những địa danh nổi tiếng, được trải nghiệm văn hóa cuộc sống về đêm trên mảnh đất hình chữ S.
Khách du lịch tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: Gia Hiếu
Ngay trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, nhiều du khách nước ngoài đã đến Việt Nam chỉ vì muốn tận hưởng và khám phá hương vị ngày Tết cổ truyền. Từng nhiều năm đón Tết xa nhà cùng những người bạn lạ mà quen đến từ nhiều nước trên thế giới, chị Ngọc Hà, hướng dẫn viên du lịch tại Quảng Ninh nhận thấy, ngày càng có nhiều người nước ngoài muốn đến Việt Nam vào mỗi dịp đầu xuân chỉ vì "khoái" thưởng thức những món ăn và khám phá phong tục ngày Tết cổ truyền. Đặc biệt, du khách nước ngoài rất thích thú khi được hướng dẫn cách gói bánh chưng, một món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày đón năm mới ở nước ta. Chẳng thế mà, chùm tour "Tây ăn Tết ta" của các hãng lữ hành từ nhiều năm nay đã luôn trở thành sản phẩm "đinh", được nhiều du khách lựa chọn mỗi dịp Tết đến xuân về.
Cũng theo đánh giá của VISA, trong hai năm tới, Việt Nam sẽ trở thành "đối thủ nặng ký" của một số điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và Trung Quốc. Bà Lorijon Bacchi, Giám đốc VISA tại Việt Nam, Lào, Campuchia cho biết, trong khu vực Châu Á hiện nay, Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến được nhiều du khách quốc tế lựa chọn. Những du khách thường xuyên tới Việt Nam hiện tại chủ yếu từ các quốc gia láng giềng nhưng trong tương lai sẽ có thêm khách đến từ Châu Âu, Châu Mỹ...
Tuy nhiên, bà Lorijon Bacchi cũng lưu ý: "Mặc dù ẩm thực đa dạng, cảnh quan thiên nhiên phong phú, bản sắc văn hóa độc đáo là những yếu tố chủ yếu thu hút khách nước ngoài đến Việt Nam, nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu trong thời gian qua đã khiến phần lớn du khách sẽ tìm đến những nơi có chi phí thấp. Và điều quan trọng là họ đều muốn đi du lịch tự túc bằng các hãng hàng không giá rẻ, tự mình trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, văn hóa vùng miền, ẩm thực… thay vì hưởng thụ những dịch vụ cao cấp. Ngành "công nghiệp không khói" của Việt Nam cần nắm được yếu tố tâm lý này để đưa ra các hoạt động giảm giá và ưu đãi thích hợp".
Tour "độc" trải nghiệm vùng miền
Từ kết quả khảo sát của VISA, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng, du lịch nước ta hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn nhưng chúng ta chưa tận dụng tốt lợi thế đó. Những hoạt động ngoài trời tại các điểm du lịch chưa thu hút khách và chưa được quan tâm đầu tư. Những nét đẹp bản sắc văn hóa và ẩm thực của Việt Nam còn chưa được đánh giá đúng mức. Thậm chí, những trang web chính thức của ngành du lịch Việt Nam chưa được kết nối với những trang mạng của nhiều quốc gia trên thế giới, do vậy thông tin và quảng bá du lịch tới các nước còn hạn chế. Để tạo bước đột phá, thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng những tour "độc" gắn với những trải nghiệm khác biệt vùng miền, du lịch Việt Nam sẽ phải tăng cường quảng bá những ưu điểm chính như điểm đến an toàn, hấp dẫn nhiều hơn đến bạn bè trên khắp thế giới.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch dự đoán về tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch trong năm mới 2012: Du lịch Việt Nam đã vượt khó đầy ấn tượng với việc đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế và 30 triệu lượt khách nội địa, doanh thu đạt trên 130 nghìn tỷ đồng trong năm 2011. Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng ấy vẫn còn không ít điều đáng phải suy ngẫm như tiềm năng du lịch chưa được phát huy, sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng dịch vụ hạn chế, khả năng cạnh tranh so với các nước xung quanh còn yếu… Do đó, năm 2012, ngành du lịch sẽ chuyển từ phát triển "bề rộng" sang "chiều sâu", đầu tư có trọng điểm để hình thành vùng du lịch có chất lượng, đồng thời tăng cường tính liên kết giữa các địa phương và địa phương với doanh nghiệp để có sản phẩm đặc thù, tạo hình ảnh đặc sắc cho điểm đến Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2009, khách du lịch quay lại Việt Nam đạt tỷ lệ 32% nhưng sang năm 2011 đã đạt tỷ lệ 39%. Số ngày lưu trú bình quân là 9,5 ngày đêm, nhiều du khách còn lưu trú tới 12,5 ngày đêm. Dự báo hai năm tới, khách du lịch quốc tế tới Việt Nam sẽ là những du khách ở độ tuổi 38, trong đó 60% là nam giới và 40% nữ giới. Với những chuyến du lịch tự do, khách sạn 3 đến 4 sao sẽ là lựa chọn chủ yếu.
Nguồn Báo Hànộimới