Công Hải: Đẩy mạnh công tác truyền thông về dân số

Xã Công Hải, huyện Thuận Bắc hiện có 7 thôn, với dân số hơn 7.600 người, trong đó gần 80% dân số là đồng bào Raglai và có 1 thôn Bình Tiên là vùng ven biển.

(NTO) Điều kiện kinh tế còn khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề phát triển dân số và chăm sóc sức khỏe sinh sản với tất cả các đối tượng. Đây cũng là nguyên nhân để Công Hải nằm trong 29 xã khó khăn của tỉnh thực hiện đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo, ven biển (Đề án 52).

Bác sỹ Lê Tấn Sửu, Trưởng Trạm Y tế xã Công Hải khám thai định kỳ cho chị Phan Trần Hương Vi
ở thôn Hiệp Kiết. Ảnh: Sơn Ngọc

Từ khi đề án được triển khai, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền xã, nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền đã thực hiện hiệu quả, đem lại những chuyển biến rõ rệt ở địa phương. Với sự hỗ trợ của đề án 52, năm 2011, Trạm Y tế xã Công Hải đã tổ chức được 2 đợt khám phụ khoa cho hơn 500 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phát hiện và điều trị cho 221 trường hợp. Ngoài ra trạm còn tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền về dân số, sức khỏe sinh sản, cách làm mẹ an toàn… cho từng nhóm đối tượng.

Hiện nay, toàn xã có 24 cộng tác viên dân số ở tất cả các thôn tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình. Chị Đỗ Thị Bích Trâm, cán bộ chuyên trách Dân số của xã cho biết: “Khó khăn lớn nhất của đội ngũ cộng tác viên dân số là phải tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của bà con dân tộc Raglai về công tác dân số. Vì cuộc sống còn khó khăn nên họ cũng không coi trọng vấn đề chăm sóc sức khỏe, ít hiểu biết đến các biện pháp tránh thai và KHHGĐ”. Chính vì nhận thức của bà con còn hạn chế nên ngay cả trong những đợt tổ chức khám thai, khám phụ khoa miễn phí… đội ngũ cộng tác viên dân số cũng phải đi đến từng gia đình để vận động.

Từ khi Đề án 52 được triển khai, UBND xã cũng chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tăng cường các hoạt động tuyên truyền lồng ghép nhằm từng bước thay đổi nhận thức, hành vi, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Các CLB: “Không sinh con thứ 3” của Hội Phụ nữ, “Tiền hôn nhân” của Đoàn Thanh niên đều hoạt động rất hiệu quả ở hầu hết tất cả các thôn. Đặc biệt, mô hình CLB “Không sinh con thứ 3” có thành viên là những chị em đã sinh con một bề, có nhiều hình thức sinh hoạt phong phú như: nói chuyện chuyên đề về giới tính, bình đẳng giới, cách chăm sóc con cái, làm mẹ an toàn… Những buổi sinh hoạt CLB ngày càng thu hút rất đông cộng đồng tham gia kể cả nam giới và những phụ nữ không phải là thành viên. Thực hiện Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ SKSS, nhóm Truyền thông lồng ghép chăm sóc SKSS – tín dụng– tín kiệm – khuyến nông và công tác Hội của Hội Nông dân cũng kết hợp chặt chẽ với các hoạt động truyền thông dân số đưa lại những hiệu quả tích cực.

Chị Mấu Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Công Hải cho biết: “Nhờ thực hiện đồng thời có hiệu quả nhiều mô hình, hoạt động nên công tác dân số-KHHGĐ trên địa bàn xã Công Hải hiện nay đã có những chuyển biến tích cực. Ngay cả thôn Bình Tiên, người dân sống chủ yếu bằng nghề đi biển nhưng hầu như đều có ý thức thực hiện tốt KHHGĐ, không sinh con thứ 3”. Hiện nay, 95% phụ nữ trong xã áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm hẳn (năm 2011 chỉ còn 9 trường hợp). Những hoạt động truyền thông dân số đang từng bước tạo cho chị em phụ nữ nói riêng và người dân Công Hải nói chung có ý thức hơn trong công tác chăm sóc sức khỏe, từng bước thay đổi hành vi về công tác dân số-KHHGĐ từ đó đưa lại một cuộc sống tốt hơn.