Những tờ báo Tết (báo in) là món quà tinh thần của những người làm báo tặng bạn đọc gần xa khi Tết đến Xuân về sau 1 năm với nhưng lo toan vất vả, với những thành công cũng như những gì còn chưa được như mong muốn của mỗi người. Niềm vui nhân lên, nỗi buồn san sẻ để mỗi chúng ta cùng đất nước bước vào Mùa Xuân mới với bao ước vọng tốt đẹp.
Tờ báo Tết đều được làm đặc biệt, nhiều trang, có hình thức đẹp, hấp dẫn, nội dung chọn lọc, đặc sắc. Lật giờ từng tờ báo Xuân, người xem có thể cảm nhận được dáng hình đất nước khi mùa Xuân về...
Sức hấp dẫn của các tờ báo Tết chính là có hình thức đẹp mà trước hết là trang bìa bắt mắt. Cùng với hình ảnh Rồng- con vật tượng trưng cho năm Nhâm Thìn, trang bìa các báo đều thắm sắc đào, sắc mai, cùng với hình ảnh của các nhân vật tiêu biểu nhất trong năm và nụ cười tươi tắn của các thiếu nữ...
Báo in ngày Tết đủ sức… cạnh tranh với truyền hình, với Internet.
Sức Xuân đất nước, tình cảm với Đảng, Bác Hồ, những nét văn hóa dân tộc đặc sắc … thể hiện đậm đà ở nội dung các bài trên các báo Tết.
Xuân về nhớ Bác, mừng Đảng quang vinh
Như một nét đẹp riêng của các trang báo Tết, các báo đều dành những trang đầu và vị trí trang trọng nhất dành đăng những bài viết về Bác Hồ kính yêu, về Đảng quang vinh.
Báo Đại đoàn kết đăng trang trọng ở trang đầu đôi câu đối của Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu: "Cờ Đảng rực mây trời, thế nước đang lên đoàn kết vững/Hoa Xuân đầy sắc thái, lòng dân càng mạnh quyết tâm cao".
Báo Tin tức kể những câu chuyện cảm động về Bác Hồ kính yêu trong những ngày Tết đoàn tụ của mọi gia đình Việt Nam: Bác thường dành thời gian đi thăm và chúc Tết các gia đình liệt sĩ, thương binh, người nghèo, công nhân lao động... Ngày Tết, Người vẫn giữ nếp làm việc thường ngày và ăn uống rất đạm bạc.
Tờ Nhà báo và Công luận đăng bài của tác giả Nguyễn Tiến Bình nhan đề "Thấm nhuần tư tưởng vì Dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh", nhấn mạnh: "Tấm lòng vì dân, tin dân, gần dân, thương dân, lo lắng, quan tâm chu đáo mọi mặt đời sống nhân dân là lời dạy, là bài học quý báu Bác để lại cho cán bộ, đồng bào và luôn nhắc nhở mọi người làm như Bác, như lời Bác, như lòng Bác mong muốn, để xây dựng nước nhà giàu đẹp, văn minh".
Báo Tiếng nói Việt Nam đăng bài của tác giả Lý Văn Sáu nhan đề "Nhớ mãi lời thơ chúc Tết Nhâm Thìn của Bác". Cũng trên báo này, nhà thơ Trần Đăng Khoa có bài viết "Ngày Xuân nghĩ về Bác". Theo tác giả bài báo, chúng ta đang làm theo tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh. Một trong những bài học sâu sắc nhất mà Người để lại cho chúng ta là sự chiêm cảm tinh vi đến chuẩn xác và nghệ thuật dùng người.
Báo Người Lao động đăng bài của GS Phong Lê nhan đề "Bác Hồ dạy cách trồng người", nhấn mạnh những bài học sâu sắc về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và chăm sóc thế hệ trẻ.
"Làm báo, làm người theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh" là nhan đề bài viết của TS Nguyễn Đức Hạnh đăng trên báo Văn nghệ. Theo tác giả, học theo Bác là học những phẩm chất: trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng tiền phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngoài mục tiêu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân. Phẩm chất đạo đức của người làm báo cách mạng cũng vậy, không gì khác hơn là sự tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, chiến đấu cho sự thắng lợi của chân lý cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân.
Báo Tuổi trẻ dành hai trang 4 và 5 ghi lại câu chuyện cảm động của những hướng dẫn viên ở Làng Sen và những kỷ niệm xúc động về tấm lòng người dân cả nước hướng về Bác. Báo Sài Gòn Giải phóng kể lại câu chuyện cảm động về gia đình người bảo vệ Bác. Báo Thanh niên đăng bài về văn hóa ẩm thực của Bác Hồ.
"Xuân tỏa sáng niềm tin" là nhan đề bài xã luận đăng trên báo Nhân dân số Tết. Bài xã luận nhấn mạnh: "Năm Nhân Thìn đến, sóng to, gió lớn vẫn chưa nguôi... Nhưng dù sóng to, gió lớn đến đâu cũng không ngăn được bước đường ta đi tới, con tàu Tổ quốc ta sẽ vượt qua tất cả khó khăn để cập bến vinh quang. Bởi chúng ta có Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với tư tưởng và đạo đức muôn thuở là ánh sáng soi đường. Chúng ta có Đảng vinh quang, dày dạn kinh nghiệm dẫn dắt và vững tay chèo lái. Chúng ta có nhân dân anh hùng đồng tâm hiệp lực, sức dân như nước đẩy tàu đi. Chúng ta có nền văn hiến và nhân nghĩa Việt Nam, có bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, đang ngày càng trở thành sức mạnh vô song, càng trong khó khăn thử thách càng tỏa sáng. Xuân mới đến, tỏa sáng niềm tin!".
Các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân dành nhiều trang đăng các bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước viết về các vấn đề xây dựng Đảng, củng cố tổ chức xây dựng Đảng, về những định hướng lớn trong việc hoạch định các chính sách phát triển đất nước trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Điều quan trọng nhất là phải đồng tâm hiệp lực, vượt mọi khó khăn, thử thách, tạo thế và lực đưa đất nước tiếp tục tiến lên.
Người đọc còn được gặp gỡ với các Bộ trưởng – các thành viên Chính phủ, khi đọc báo Tin tức số Tết này, qua đây thấy rõ quyết tâm của những người đứng đầu các bộ, ngành. Nếu như Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ chi tiêu ngân sách và giá cả; thì Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Huy Hoàng quyết tâm đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tập trung lo nhà cho các đối tượng khó khăn về nhà ở; Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền ưu tiên ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm là: việc làm, chăm sóc người có công, đảm bảo an sinh xã hội cho tất cả các đối tượng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nỗ lực tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh chống quá tải bệnh viện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng với những trăn trở trong việc tìm lời giải cho “bài toán” trật tự giao thông đô thị…
Chùm phóng sự ảnh “Đến với nhân dân” của báo Thời nay đã cho thấy sự tận tâm, tận lực của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với nhân dân cả nước, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.
Phóng sự ảnh của báo Sài Gòn Giải phóng khẳng định vị thế mới của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay.
Những xúc cảm thiêng liêng về mùa Xuân
Điểm nhấn của báo Tuổi trẻ Tết này là những trang đặc biệt về biển đảo quê hương, những câu chuyện về biển từ ngàn xưa đến nay, về tình yêu dạt dào với biển đảo của các tầng lớp nhân dân. Với tiêu đề "Đạp sóng vươn ra biển lớn", cụm bài này đặc biệt thu hút người đọc với bức ảnh lớn của tác giả Nguyễn Xuân Hữu Tâm chụp các ngư dân làng chài Vinh Thanh (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) đạp sóng ra khơi mùa biển động. Các bài viết đáng chú ý trong cụm bài này là: "Diện mạo mới của Hải quân Việt Nam", "Khoa học ra Trường Sa", "Gia tộc của đại dương", "Chung một mong ước", "Hạnh phúc ở biển", "Tôi ra biển thấy trọn vẹn đất nước"...
Báo Văn nghệ đăng nhiều bài về Trường Sa, về biển, đảo quê hương, trong đó đáng chú ý là bài của nhà văn Chu Lai nhan đề "Trường Sa vẫn mãi là hoàng hôn màu lá mạ" và bài của nhà thơ Thanh Thảo nhan đề "Biển trong tôi". Bài của nhà thơ Thanh Thảo kết thúc bằng những dòng xúc động: "Cứ mỗi ngày, tôi lại học thêm những bài học từ biển, biển của mình. Cứ mỗi ngày nhân dân lại cho tôi hiểu sâu thêm về biển. Vì nhân dân cũng là biển, nên khi mình đang sống giữa nhân dân là mình đang sống giữa biển".
Báo Sức khỏe và Đời sống dành hai trang đăng phóng sự ảnh "Gần lắm Trường Sa". Những dòng viết ngắn gọn nhưng tràn đầy cảm xúc của tất cả những người ở đất liền dành cho Trường Sa thân yêu: Trường Sa, cái tên mà mỗi người con đất Việt nhắc đến đều thấy rất gần gũi và thân thương. Mặc dù cách xa trùng trùng hải lý, trước sự ồn ào của biển cả, luôn chứa đựng những điều bất trắc, nhưng ở nơi ấy, giữa chốn cuồng phong khắc nghiệt, cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu của quân và dân Trường Sa vẫn êm đềm. Họ vẫn lặng lẽ và kiên cường như những cây phong ba cắm chặt rễ sâu vào lòng đất mẹ, không ngừng vươn lên với sức sống mãnh liệt trước biển Đông...
Báo Sài Gòn giải phóng, báo Lao động đăng các bài viết và các phóng sự ảnh về chủ đề biển, đảo như: "Chân lý chủ quyền biển đảo Việt Nam", "Viết tiếp trang sử Hoàng Sa", "Tổ quốc nơi đầu sóng", "Gần lắm Trường Sa...
"Lung linh ánh điện Trường Sa" là nhan đề bài bút ký của tác giả Thanh Dương Hồng đăng trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Bài báo viết về hiệu quả Dd án năng lượng sạch do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thực hiện ở 9 đảo nổi, 24 đảo chìm, điểm đảo và 15 nhà giàn trên quần đảo Trường Sa. Và với dự án này, giữa mênh mông trời nước, Trường Sa hiện ra một màu xanh cây trái và ánh điện sáng trưng như sức sống mạnh mẽ của Tổ quốc giữa biển khơi xa mỗi đêm về.
Báo Hà Nội mới đăng bài của tác giả Hồ Quang Lợi nhan đề "Thăng Long- Hà Nội, ánh sáng và niềm tin". Tác giả khẳng định: "Thăng Long- Hà Nội đang bước vào năm Rồng Nhâm Thìn. Rồng Thăng Long là rồng sinh thành, rồng hội tụ, thăng hoa những giá trị, cốt cách ngàn năm văn hiến. Thế Rồng lên là thế thăng thiên bất tử của đất Kinh kỳ. Sức vươn đó được tạo dựng từ muôn triệu trái tim, khối óc, bàn tay của con dân đất Việt, như phù sa sông Mẹ cần mẫu bồi đắp đêm ngày. Ánh sáng cao vời và sâu thẳm tỏ ra từ cột mốc 1000 năm, Thăng Long- Hà Nội đang tích hợp sức mạnh, nâng cao nhận thức, bồi đắp tâm hồn để trở thành một bệ phóng đưa Thủ đô bước vào thời kỳ phát triển mới".
"Kể chuyện cánh đồng" là chủ đề của báo Nông thôn Ngày nay Xuân này. Đó là biết bao hoài niệm thân thương chứa đựng những điều sâu thẳm. Trên cánh đồng có biết bao điều để nói, đó là chất liệu chủ đạo để hình thành nên làng mạc, để từ đó có tín ngưỡng, có lễ hội, có nền văn minh lúa nước. Trên cánh đồng, người Việt đã cần mẫn làm ra hạt gạo thảo thơm nuôi những thi nhân và những người anh hùng. Đáng chú ý là các bài viết: "Hai vựa lúa ở hai đầu đất nước", "Văn minh lúa nước- Xin còn gọi tên", "Lúa gạo Việt Nam", "Còn ruộng là còn làng mạc", "Bao giờ cho đến ngày xưa", "Nhịp mùa lễ hội cấy hái", "Từ bày tay đến công cụ", "Những người Nga gặt lúa ở Mai Châu" và phóng sự ảnh "Cánh đồng mùa nước nổi"...
"Hạt gạo đồng bằng vượt lên đỉnh lũ" là nhan đề bài viết đăng trên báo Lao động. Theo tác giả bài báo, năm 2011 qua đi ghi thêm kỳ tích cho hạt gạo và người làm ra lúa gạo trên vùng châu thổ sông Cửu Long, không chỉ bằng cột mốc lịch sử của sản lượng xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo, chiếm 100% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước và hơn 20% lượng gạo thương mại thế giới, mà còn khẳng định tư thế "vượt lên đỉnh lũ" của nông dân miền Tây Nam Bộ... Đồng bằng Sông Cửu Long được giới khoa học xác định là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu, người dân nơi đây phải hướng tới mục tiêu dài hạn để thích ứng. Trước mắt, vựa lúa số một Việt Nam này cần tiếp tục được đầu tư phát triển để không chỉ "sống chung với lũ" mà còn "vượt lên đỉnh lũ" để gánh vác sứ mạng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và hơn thế nữa…
Độc đáo chuyện Rồng nhân năm Thìn
Năm 2012 là năm Nhâm Thìn, vì thế hình ảnh rồng không chỉ xuất hiện rất đẹp và khỏe khoắn ở nhiều trang bìa các báo Tết, mà còn là nội dung hấp dẫn về rồng trên các trang báo Tết.
Báo Tuổi trẻ dành nhiều trang đăng các bài kể chuyện về Rồng khắp năm châu, chuyện Kho Rồng, nghệ thuật múa Rồng...
Báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh có bài "Con Rồng trong mắt nhân gian". Báo Phụ nữ Việt Nam có bài của tác giả Đỗ Dũng phân tích sâu về những đặc điểm thú vị của Rồng Việt Nam. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là: Trong khi ở nhiều nơi khác, người ta khiếp sợ rồng, giữ khoảng cách với rồng ngay cả trong ý niệm, thì ở Việt Nam, rồng lại sức thân thiết trong tâm thức của con người. Trong dân gian có nhiều sinh hoạt, nghi lễ có rồng như: múa rồng trên sân đình trong những ngày hội, đua thuyền rồng, trẻ em có trò "Rồng rắn lên mây", vừa chơi vừa hát rất vui vẻ. Hình ảnh rồng cũng có trong tranh dân gian Đông Hồ được tren trên tường nhà bình dân trong ngày Tết...
Mỗi tờ báo đề cập một khía cạnh, các báo Tết cũng dành nhiều trang phân tích viết về những thành tích của thể thao Việt Nam trong năm qua, giới thiệu những gương mặt vận động viên tiêu biểu và nhiều bài phân tích về tình hình quốc tế, cũng như giới thiệu về phong tục đón Tết cả các nước trên thế giới, cùng nhiều truyện ngắn hay và nhiều bài thơ Tết đặc sắc.
Đất nước vào Xuân. Sức Xuân năm Rồng thiêng chắc chắc khiến mỗi chúng ta thêm nghị lực và quyết tâm trong nỗ lực mới xây dựng quê hương đất nước. Sức sống vĩnh cửu của mùa Xuân đất nước, mùa Xuân lòng người chắc chắn sẽ tiếp tục tỏa ấm mỗi trang báo Tết...
Nguồn www.chinhphu.vn